WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á-TBD

WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á-TBD từ mức 7,6% xuống còn 7,2% trong năm 2012.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, từ mức 7,6% đưa ra hồi tháng 5 xuống còn 7,2% trong năm 2012.

Thể chế tài chính lớn nhất thế giới này cũng đồng thời cho biết nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách châu Á sẽ phải đưa ra các đợt nới lỏng tiền tệ, cũng như các chính sách tài khóa mới trong thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Theo WB, kinh tế khu vực Đông Á (trừ Nhật Bản và Ấn Độ) năm 2011 đã tăng trưởng 8,3% nhưng có nguy cơ sẽ chỉ đạt mức tăng 7,2% năm nay, mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 2001.

Dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ điều chỉnh giảm mức dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 tại cuộc họp thường niên ở Tokyo vào ngày 9/10.

Các nhà chức trách của WB cho biết khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường bên ngoài tiếp tục suy yếu và áp lực lạm phát đã dần dịu xuống, các ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia đã quyết định đưa ra các chính sách tài chính mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước.

Những động thái này có thể góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa nhờ lãi suất thấp và tính thanh khoản tương đối tốt tại hầu hết các nước trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Theo WB, việc gia tăng nhu cầu nội địa sẽ là động lực chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2013, bù đắp cho sự suy giảm sức tiêu thụ hàng hóa tại châu Âu và Mỹ, vốn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của khu vực này.

WB cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục xấu đi, các vấn đề của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế Trung Quốc giảm hơn nữa là những nguy cơ lớn cản trở đà phục hồi của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Tuần trước, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng vừa hạ dự báo về tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong cả năm 2012 và 2013.

Hoạt động sản xuất của cả châu Âu và Trung Quốc đều sụt giảm trong tháng 9/2012, do cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone đã làm tổn thương lòng tin của giới đầu tư và phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, nhiều nước châu Á đang ra sức đẩy mạnh chi tiêu công vào các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang nỗ lực tìm kiếm khoản đầu tư lên tới 1 6 tỷ USD vào hệ thống giao thông và các sân bay, trong khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đang tăng cường giải ngân trước cuộc tổng tuyển cử.

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) định tung ra chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) và một loạt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt trong tuần này./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục