Con dao hai lưỡi

“Cửa thoát hiểm" mùa nước ngập: Con dao hai lưỡi

Người dân đã quen với điệp khúc “sống khổ ở Hà Nội” bởi ám ảnh về những hố ga… ngoác miệng như “miệng tử thần” trên đường phố.
Hà Nội vào mùa mưa bão, tình trạng “phố bỗng thành sông” lâu nay đã trở thành chuyện… khổ lắm nói mãi. Các phương tiện truyền thông báo chí cũng nhiều lần đề cập đến sự nhọc nhằn, mệt mỏi của người dân qua việc họ gọi chệch tên thành phố đang sống là…Hà Lội.

Rồi gần đây, người dân tiếp tục la lên điệp khúc “sống khổ ở Hà Nội” bởi ám ảnh về những hố ga… ngoác miệng như “miệng tử thần” trên đường phố.

Trong vai trò là “cửa thoát hiểm” thu nước phát sinh chống ngập úng song hệ thống hố ga thăm cũng đẻ ra nhiều hệ lụy chẳng khác con dao hai lưỡi khi kéo theo lượng rác thải lớn theo dòng nước, có thể tích tụ thành ổ rác ngầm khổng lồ.

Tránh một vỏ dưa gặp ba, bốn… vỏ dừa

Những ngày Hà Nội mưa như trút nước khiến trong thời gian ngắn nhiều tuyến phố bị nuốt chửng trong dòng nước đen ngầu, lềnh phềnh rác thải.

Theo quan sát của phóng viên, ngoài hệ thống các đường dẫn, ga thu thoát nước có ghim chắn rác nằm lộ thiên thì các hố ga thăm cũng được mở “ngoác miệng” để thu nước phát sinh, phòng ngập úng.

Những hố ga thăm mục đích để thông ngầm, được thiết kế miệng rỗng không có thanh chắn rác có thể giúp thu nước lớn gấp nhiều lần song cũng dễ dàng “nuốt” một lượng rác thải lớn.

“Cửa thoát hiểm” được chắn bởi một trục chắn lớn hình tam giác điểm báo cho người đi phương tiện tránh va chạm dẫn đến tai nạn nguy hiểm.

Riêng những điểm “nóng”, hễ mưa lớn phố sẽ thành sông như Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch… còn được bố trí một vài nhân viên thoát nước túc trực để lượm rác và giám sát “cửa thoát hiểm”.

Anh Dương, công ty Hapro bức xúc: “Mưa lớn, hệ thống thoát nước làm việc không kịp cộng với việc ‘chữa cháy’ bằng mở nắp hố ga chỉ e lợi bất cập hại. Đường phố lềnh phềnh nước, dòng người đông đúc, chen lẫn rất dễ va vào miệng hố, đặc biệt nguy hiểm lúc trời nhá nhem, sẩm tối. Thậm chí, hố ga thu nước kèm theo đủ loại rác thải, nylon rất khó xử lý. Dần dần, sẽ tích tụ thành ổ rác ngầm lớn, đến lúc đó xảy ra tắc nghẽn hệ thống hố ga thăm sẽ là vô phương cứu chữa.”

Cô Hà, nhà cạnh một “cửa thoát hiểm” trên phố Chùa Bộc than thở: “Vì là hố ga thăm, mở nắp thu nước phát sinh, chống ngập nên nước không qua xử lý sẽ gây mùi hôi thối, rất ô nhiễm…”

Trước tình hình này, ông Nguyễn Lương Ngọc, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội thừa nhận: Hệ thống hố ga rỗng còn được gọi là “hàm ếch” thực tế không có chức năng thu nước. Nhưng vào mùa mưa bão hoặc các trận mưa lớn, công nghệ hệ thống cống ga thoát nước không thể thu nước kịp nên phải mở miệng các hố ga thăm như “cửa thoát hiểm” thu nước phát sinh chống ngập lụt.

Vị này cũng cho rằng: “Sở dĩ, sử dụng hố ga thăm thu nước phát sinh đẻ ra nhiều mặt trái một phần do môi trường đô thị của mình chưa tốt. Bộ phận thu rác trên các tuyến phố làm chưa triệt để và ý thức người dân vẫn xả rác bừa bãi. Nếu đường phố Hà Nội sạch như các nước trong khu vực Singapore, Thái Lan… việc tận dụng hố ga thăm thu nước phát sinh chống ngập sẽ không có gì đáng ngại.”

“Cửa thoát hiểm” nên đóng vĩnh viễn

Khi hỏi các chủ đi phương tiện và các hộ dân sống quanh hố ga hầu như đếu than thở về những phiền toái từ “cửa thoát hiểm”. Người lái phương tiện tỏ ra bất an, sợ hãi gặp bất trắc nếu chẳng may trên đoạn đường có sự xuất hiện trục điểm báo có hố ga.

Bác Hưng, nhà cạnh hố ga thăm trên phố Chùa Bộc gắt gỏng: “Mở miệng hố ga để thoát nước nhưng mưa lớn thì phố vẫn ngập, nhưng khi nước rút chúng tôi lãnh đủ mùi hôi thối bốc lên. Những hôm trời oi, mùi ô nhiễm dân ở đây ăn không ngon, ngủ không yên. Không nên mở hố ga, cống ngầm sinh hoạt của dân làm chung nhiệm vụ thoát nước.”

Hạn chế rác thải không lọt xuống hố ga, gây ô nhiễm và tắc nghẽn thì các xưởng thoát nước thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội “đẻ” ra những đội “lính canh” làm nhiệm vụ lượm rác, trong suốt thời gian mưa, thu nước.

Anh Trung, một “lính canh” hố ga thăm trên đường Thái Hà thuộc xưởng thoát nước số 2 cho biết: Tổ của anh có 10 người, nhiệm vụ chính là vào mùa mưa, đội phải túc trực 24/24 ở các tuyến đường để báo cáo tình hình mưa về công ty và liên tục gỡ rác tấp vào miệng hố ga theo dòng nước.

“Bình thường 20 giờ là tan ca nhưng bất thình lình ông trời trở chứng mưa ầm ầm giữa đêm hoặc có những trận mưa lớn kéo dài thì phải phân ca, kíp canh mưa, móc rác đến khi tạnh hẳn, chúng tôi mới được về. Có hôm, bám miệng cống đến giữa khuya”,  anh Trung chia sẻ

Chị Lan “lính canh” tại đường Nguyễn Quý Đức kể: “tại các điểm trũng, mưa chừng 30 phút, con đường đã ngập đến đầu gối. Bao ni lông, vỏ bắp và biết bao rác rưởi khác do người dân vứt ra đường theo con nước ùa đến bịt kín các miệng cống. Mưa xối xả, móc rác được 5 phút thì miệng cống lại bị rác bịt kín, vất vả lắm.”

Một “lính canh” tuổi đã cao tâm sự với chúng tôi khi làm nhiệm vụ trên phố Phạm Ngọc Thạch: “Làm nghề dầm mưa, canh cống đối mặt với nhiều nguy hiểm, tai nạn lao động đặc biệt nỗi lo HIV nếu chẳng may bị rác kim tiêm đâm trúng. Mỗi một phiên canh, móc được hàng chục kim tiêm là chuyện thường… Nghề nào thì tật ấy, làm mãi cũng quen nhưng giá mà không phải thu nước qua hố ga, anh em tôi đỡ vất vả.”

Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, sử dụng hố ga thăm để thu nước phát sinh đã cổ hủ và bỏ dần tại các nước tiên tiến. Hiện Hà Nội vẫn chưa có hệ thống thoát nước riêng biệt, sử dụng hố ga thăm  giúp thoát nước gấp đôi hệ thống hiện có nhưng cũng như con dao hai lưỡi.

Ở một số điểm ngập lớn mới được bố trí nhân viên túc trực gỡ rác còn phần lớn rác thải vẫn bị mắc lại, gây tắc nghẽn cục bộ. Cần thiêt, ngành môi trường đô thị phải vào cuộc làm tốt việc thu gom rác và ý thức của người dân ngày càng nâng cao. Trong thời gian tới việc thu nước chống ngập qua hố ga thăm sẽ được hạn chế dần và đóng hẳn, tránh hậu họa về môi trường./.
Sơn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục