EU yêu cầu Trung Quốc mở cửa mua sắm công

Ủy viên phụ trách thương mại EU, Karel De Gucht kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường mua sắm công trong nước trị giá 1.100 tỷ USD.
Trong chuyến thăm Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) mới đây, Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht nói rằng Trung Quốc đang bảo vệ thị trường mua sắm công trong nước trị giá 1.100 tỷ USD, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh mở cửa hơn nữa cho trao đổi thương mại toàn cầu.

Theo ông De Gucht, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây ra phán quyết cho rằng việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm nguyên liệu thô là không tuân thủ các quy định quốc tế cũng như phá vỡ thị trường rộng lớn nhưng còn bị hạn chế liên quan đến các hợp đồng mua sắm công của nước này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh EU đã và đang tiến hành các cuộc điều tra mới về những cáo buộc rằng Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm, trong đó có sản phẩm gốm, ông De Gucht đã xua tan những lo ngại rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang leo thang. Tuy nhiên, ông nói nhiều đối tác thương mại hoài nghi về những cam kết mà Trung Quốc đưa ra đối với hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy định đang phá hoại lòng tin trên các thị trường tự do.

Ông De Gucht cho biết giá trị các hợp đồng mua sắm chính phủ chiếm tới 17% GDP toàn cầu và các doanh nghiệp phụ thuộc vào những hợp đồng như vậy chiếm 25% GDP của EU. EU là một trong những thị trường mua sắm công mở nhất thế giới. Sự cởi mở này đồng nghĩa với các cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp không phải của EU, trong đó có các công ty Trung Quốc. Trung Quốc hiện không phải là nước duy nhất có vấn đề, nhưng những vấn đề này chắc chắn có ở Trung Quốc.

Quan chức trên nói thêm thị trường mua sắm công của Trung Quốc trị giá 830 tỷ euro (1.100 tỷ USD) nhưng chỉ có tỷ lệ nhỏ được mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Phần lớn những thương vụ kinh doanh này "chảy" vào các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Vì vậy, EU có quyền "từ chối" các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tiếp cận các thương vụ mua sắm công ở châu Âu nếu Bắc Kinh không mở cửa thị trường của mình.

Ông De Gucht cho biết ông đã bàn với Ủy viên thị trường nội địa Michel Barnier về khả năng đưa ra "phản ứng pháp lý" nếu Trung Quốc từ chối đáp lại cởi mở của châu Âu. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng Bắc Kinh sẽ đưa ra phản ứng tích cực đối với phán quyết hồi tháng trước của WTO rằng Trung Quốc phải "giải phóng" các biện pháp về thuế và hạn ngạch xuất khẩu đối với một số nguyên tố, trong đó có kẽm và magiê. Bắc Kinh đã biện minh rằng các biện pháp mà nước này áp dụng đối với những kim loại trên là để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, đây cũng là cái cớ mà Trung Quốc sử dụng để bảo vệ những quy định hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Tuy vậy , ông De Gucht khẳng định bất chấp những bất đồng về vấn đề tiếp cận thị trường, trao đổi thương mại EU-Trung Quốc sẽ lập kỷ lục mới trong năm 2012. Kim ngạch trao đổi song phương EU-Trung Quốc đạt 428,3 tỷ euro trong năm 2011, từ mức gần bằng không cách đây 20 năm./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục