Hy Lạp thảo luận các biện pháp kinh tế khắc khổ

Thủ tướng Hy Lạp khẳng định điều quan trọng hiện nay là Hy Lạp phải chấp nhận "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế.
Tại cuộc họp nội các ngày 6/6, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã khẳng định điều quan trọng hiện nay là Hy Lạp phải chấp nhận "thắt lưng buộc bụng" nhiều năm để đổi lấy gói cứu trợ tài chính quốc tế từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong nỗ lực tột độ để tránh nguy cơ kinh tế Hy Lạp bị vỡ nợ, nội các của đảng Xã hội đã thảo luận suốt 8 giờ đồng hồ về kế hoạch kinh tế trung hạn, theo đó sẽ áp đặt các biện pháp tiết kiệm bổ sung trị giá 6,4 tỷ euro trong những tháng còn lại của năm nay.

Đây là giai đoạn đầu tiên của nỗ lực biến kế hoạch, được nhất trí hôm 3/6 với EU và IMF để đổi lấy gói cứu trợ tài chính, thành một đạo luật bất chấp những dấu hiệu bất đồng trong đảng cầm quyền.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số người dân Hy Lạp đều phản đối các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Thủ tướng Papandreou.

Mặc dù ông Papandreou để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, song giới phân tích cho rằng ông sẽ không làm vậy bởi nhiều khả năng các biện pháp khắc khổ mà ông đưa ra sẽ bị bác bỏ, mở đường cho việc tổ chức bầu cử sớm.

Trong khi đó, các nhà cho vay quốc tế cho biết gói cứu trợ tài chính mới thay thế thỏa thuận cứu trợ 110 tỷ euro (160 tỷ USD) đã nhất trí cách đây 1 năm, sẽ tuỳ thuộc vào việc Athens có giữ được cam kết tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng cường tư nhân hóa hay không.

Giới chức EU mới đây khẳng định rằng họ sẽ luôn sát cánh cùng Hy Lạp nhưng Athens cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện những mục tiêu tài chính và cố gắng tìm được sự đồng thuận trên phạm vi toàn quốc.

Năm ngoái, Hy Lạp đã thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ nhờ các khoản vay trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính trị giá 110 tỷ ơrô của IMF và EU. Đổi lại, Athens phải thực thi các biện pháp khắc khổ, trong đó có cắt giảm lương công chức, giảm trợ cấp hưu trí và tăng mạnh thuế...

Tuy nhiên, chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà Athens đã thực hiện chỉ khiến người dân Hy Lạp phẫn nộ vì phải rơi vào tình cảnh "giật gấu vá vai."

Theo giới phân tích, Chính phủ Hy Lạp khó có thể thực hiện đầy đủ các cam kết kể trên trong bối cảnh phải chịu áp lực không chỉ từ các lực lượng chính trị trong nước, mà còn từ dân thường, những người thất nghiệp, hưu trí hoặc có việc làm nhưng tiền lương của họ bị cắt giảm mạnh trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục