G20 tăng nỗ lực ngăn chặn tái diễn khủng hoảng

Các lãnh đạo tài chính G20 đã bắt đầu họp ở Hàn Quốc để tái định hình hệ thống kinh tế nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tái diễn.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu cuộc họp 3 ngày tại thành phố Busan (Hàn Quốc), từ ngày 4/6, để tái định hình hệ thống kinh tế nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tái diễn.

Trevor Manuel, nguyên Bộ trưởng tài chính Nam Phi, cảnh báo các nền kinh tế khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái kép và cuộc họp này là cơ hội đưa ra các quyết định ngăn chặn thế giới rơi vào suy thoái mới.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee nói: "Chúng ta sẽ phải đạt được sự phục hồi kinh tế, đồng thời cũng không được từ bỏ sự cẩn trọng trong lĩnh vực tài chính. Đây quả là một thách thức khi phải cân bằng giữa hai tình huống dường như là trái ngược nhau."

Về cuộc khủng hoảng nợ Eurozone, ông Mukherjee cho rằng nếu nó tác động đến sự phục hồi của toàn châu Âu thì sau đó sẽ gây tác động đến sự phục hồi thế giới. Vấn đề này chắc chắn phải được thảo luận kỹ lưỡng.

Eurozone hiện đang phải chịu nhiều sức ép nhằm giảm thâm hụt ngân sách và cải cách kinh tế, các đại diện G20 thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải giải thích chi tiết về gói cứu trợ Hy Lạp, vốn đã được EU và IMF nhất trí thông qua.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đang tìm kiếm những giải pháp mới nhằm giảm bớt các hoạt động quá mức của các thể chế tài chính, vốn được cho là nguyên nhân đang đẩy nhiều nền kinh tế đến miệng bờ vực thẳm.

Về vấn đề áp thuế ngân hàng để trả chi phí cho các cuộc giải cứu trong tương lai, tuy đã được Mỹ và các nước châu Âu ủng hộ, song vẫn không được một số thành viên G20 khác chấp thuận như Canada và Australia.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng G20 sẽ không đạt được thỏa thuận về vấn đề áp thuế mới đối với các ngân hàng trong cuộc họp tại Busan, nhưng những khác biệt giữa các nước G20 đang được thu hẹp trên một số lĩnh vực, như xác định các tiêu chuẩn vốn ngân hàng cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Ông Bernanke nhấn mạnh: "Việc củng cố hệ thống tài chính quốc tế, việc đảm bảo các thể chế tài chính đang được kiểm soát chặt chẽ cũng như việc quản lý tốt nguồn vốn, đảm bảo tính thanh khoản và minh bạch đòi hỏi một sự hợp tác quốc tế sâu rộng."

Trong dự thảo thông cáo, nhóm G20 cảnh báo sự phục hồi toàn cầu hiện vẫn còn mong manh và sự hợp tác quốc tế là rất cần thiết. Dự thảo này sẽ được các bộ trưởng tài chính và các thống đốc hoàn tất trong những phiên họp cuối tuần./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục