Việt-Trung tăng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Việt-Trung sẽ tăng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm chính sách phát triển rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật lĩnh vực giống, sản xuất giống.
Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống và sản xuất giống.

Đây là một trong những nội dung chính của Biên bản ghi nhớ được ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và ông Jia Zhibang, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc ký kết ngày 17/9 tại Hà Nội.

Theo biên bản ghi nhớ trên, hai bên sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực khác như chống nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, kiểm soát lửa rừng, kiểm soát sâu bệnh hại rừng, các loài bị xâm hại, thực thi Luật Lâm nghiệp; và tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ rừng, môi trường.

Trước đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã hội đàm với Cục trưởng Jia Zhibang. Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp và mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác này, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp.

Ông Jja Zhibang cho rằng, quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp. Kể từ năm 1994 đến nay, ngành lâm nghiệp hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác như có những cuộc trao đổi hàng năm về lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ở Việt Nam, ngành lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để chống sa mạc hóa, cải thiện mô trường sinh thái… Mỗi năm, Chính phủ đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác lâm nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng tham gia đầu tư nhiều vào lĩnh vực này và chính vì vậy độ che phủ rừng ở Việt Nam đã được nâng lên 40%.

Cũng theo ông Phát, phát triển rừng không chỉ nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn để đảm bảo cuộc sống của khoảng 25 triệu người dân, chiếm khoảng 1/3 dân số Việt Nam, có cuộc sống liên quan đến lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, bảo vệ rừng còn là một biện pháp kiên quyết trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và vấn đề này cần có sự phối hợp của cộng đồng quốc tế. Rừng ở lưu vực sông Mekong và sông Hồng mặc dù ở Trung Quốc, nhưng cũng ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, việc Trung Quốc phục hồi rừng tốt sẽ không chỉ tốt cho nước này mà còn tốt cho các nước khác như Việt Nam, Lào, Thái Lan.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về phát triển rừng bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cảm ơn Trung Quốc đã tài trợ 500.000 USD giúp tỉnh Phú Thọ phát triển rừng./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục