Tổng thống Mali chính thức bổ nhiệm Thủ tướng mới

Tổng thống lâm thời nước này Dioncounda Traore đã bổ nhiệm ông Diango Cissoko giữ cương vị Thủ tướng mới của Mali.
Truyền thông Mali ngày 11/12 đưa tin Tổng thống lâm thời nước này Dioncounda Traore đã bổ nhiệm ông Diango Cissoko, cựu Chánh Văn phòng Tổng thống, giữ cương vị Thủ tướng mới của Mali, thay ông Modibo Diarra vừa buộc phải từ chức do sức ép của lực lượng làm đảo chính.

[Thủ tướng Mali Cheikh Diarra đã tuyên bố từ chức]

Phát biểu trước báo giới, tân Thủ tướng Cissoko cam kết sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và nhấn mạnh rằng ưu tiên của ông là giành lại quyền kiểm soát miền Bắc và tổ chức tổng tuyển cử trên cả nước. Ông Cissoko nói: "Tôi ưu tiên khôi phục ổn định ở miền Bắc và tổ chức bầu cử... Tôi muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc."

Trước đó, trong một tuyên bố được phát trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Traore cho biết ông chấp thuận đơn xin từ chức thủ tướng của ông Diarra, coi quyết định từ chức này là "một sự hi sinh" vì lợi ích quốc gia, nhằm tránh cho Mali một cuộc khủng hoảng mới.

Trước những diễn biến chính trị được cho là có thể khiến Mali lún sâu hơn vào khủng hoảng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ngày đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về vụ các binh sỹ đảo chính bắt giữ ông Diarra, buộc ông từ chức thủ tướng và giải tán nội các.

[EU thông qua kế hoạch cử phái bộ quân sự tới Mali]

Trong tuyên bố của mình, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết ông đặc biệt lo ngại trước những diễn biến tại Mali, kêu gọi chấm dứt sự can thiệp quân sự vào đời sống chính trị và hối thúc giới chức Mali nhanh chóng giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình.

Theo tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, những diễn biến mới tại Mali cho thấy sự cần thiết của việc phải duy trì nỗ lực của Mali cũng như quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Phi này.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về cuộc đảo chính vừa qua tại Mali. Hội đồng Bảo an sẵn sàng xem xét các "biện pháp thích hợp", chẳng hạn như biện pháp cấm vận đối với những đối tượng gây trở ngại cho quá trình khôi phục hiến pháp và ảnh hưởng tới sự ổn định tại Mali.

Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi chính quyền lâm thời Mali nhanh chóng xây dựng một lộ trình chuyển tiếp phù hợp, thông qua đối thoại chính trị nhằm khôi phục trật tự hiến pháp và thống nhất quốc gia, bao gồm cả việc tổ chức bầu cử hợp pháp và hòa bình.

Cùng ngày 11/12, Mỹ chỉ trích vụ các binh sỹ đảo chính gây sức ép buộc ông Diarra từ chức và giải tán nội các là "một sự thất bại" đối với quá trình chuyển giao chính trị ở quốc gia Tây Phi này.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, Washington đặc biệt quan ngại về động thái trên của lực lượng đảo chính, coi đây là một bước lùi trong những nỗ lực nhằm khôi phục trật tự hiến pháp và dân chủ tại Mali.

Mỹ kêu gọi Mali nhanh chóng tổ chức bầu cử tự do và công bằng, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục có hành động cần thiết đối với những bất ổn chính trị tại Mali.

Những diễn biễn mới đây ở Mali xảy ra trong bối cảnh có nhiều bất đồng xung quanh kế hoạch triển khai một lực lượng quốc tế vào nước này nhằm đánh bật các nhóm Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát khu vực sa mạc rộng lớn ở miền Bắc.

Mỹ, châu Âu và các nước láng giềng của Mali lo ngại rằng việc các nhóm phiến quân, khủng bố gia tăng hoạt động tại miền Bắc Mali có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục