Vĩnh Phúc: Không phát hiện thịt lợn có chất tạo nạc

Các mẫu thịt lợn ở Vĩnh Phúc được gửi đi phân tích tại Viện chăn nuôi Quốc Gia cho kết quả "âm tính" với các chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Bá Tuệ, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Chi cục đã triển khai thành lập đoàn thanh, kiểm tra về hai nơi có tin đồn người dân dùng "hóa chất tạo nạc" là chất cấm không được sử dụng trong chăn nuôi để kinh doanh lấy lãi là thành phố Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc.

Tại hai địa điểm trên, Chi cục đã tiến hành lấy 6 mẫu để mang đi xét nghiệm (trong đó có 02 mẫu thức ăn chăn nuôi; 02 mẫu thịt lợn; 02 mẫu gan lợn).

Các mẫu lấy được gửi đi phân tích tại Viện chăn nuôi Quốc Gia và đã cho kết quả "âm tính" với các chất cấm sử dụng thức ăn trong chăn nuôi thuộc nhóm Beta-agonist (Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine)

Trước đó, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhiều người dân truyền tin cho nhau, rồi bàn tán xôn xao về việc nhiều hộ kinh doanh chăn nuôi tại thành phố Vĩnh Yên, và huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã sử dụng "hóa chất tạo nạc" trong chăn nuôi để kinh doanh lấy lãi.

Từ những thông tin ngày càng lan rông nêu trên, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các vùng lân cận, không dám mua thị lợn về ăn và cũng chính những thông tin đồn đại trên, đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lợn "lao đao" vì lợn nuôi đã trường thành trung bình từ 80-90kg, thậm chí có con trên 1 tạ lợn hơi nhưng cũng không thể xuất chuồng.

Beta-agonist (Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine) là nhóm hooc môn tăng trưởng, có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc.

Lợn dùng "hóa chất tạo nạc" sẽ tăng trưởng nhanh, mông vai nhiều nạc, lưng võng, lông mượt, bán được giá cao. Chất Beta-agontists ở trong thịt đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.

Vì thế, chất này đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi. Chính vì "hóa chất tạo nạc" là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi có tác dụng kích thích tăng trưởng nhanh và tạo nạc, nên nhiều hộ kinh doanh biết không được phép sử dụng nhưng vẫn cố tình sử dụng vì mục đích hám lợi./.

Lê Việt Dũng (Vietnam +)

Tin cùng chuyên mục