Míttinh rầm rộ tại Paris

François Bayrou tổ chức cuộc míttinh rầm rộ tại Paris

Ông François Bayrou, đại diện trung dung của Phong trào Dân chủ (MoDem) đã quyết định tổ chức một cuộc míttinh lớn đầu tiên tại Paris.
Sau một thời gian chững lại trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ngày 25/3, François Bayrou, đại diện trung dung của Phong trào Dân chủ (MoDem) đã quyết định tổ chức một cuộc míttinh lớn đầu tiên tại Paris để "tấn công" bà Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, những đối thủ mà ông cho là "cực đoan."

Cuộc míttinh quảng bá hình ảnh lớn nhất từ đầu chiến dịch tranh cử của Bayrou diễn ra ở thời điểm tế nhị, khi số phiếu bầu cho ứng cử viên này liên tục dừng tại chỗ tại các thăm dò dư luận cho vòng một bầu cử, với trung bình khoảng 13%, khiến ứng cử viên tụt lại vị trí phía sau Jean-Luc Mélenchon của Mặt trận Cánh tả (FG), người vừa lần đầu tiên giành được vị trí thứ ba, và bà Marine Le Pen của Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN), người tụt xuống vị trí thứ tư.

Sau khi giành đủ số chữ ký ủng hộ để lọt vào danh sách 10 ứng cử viên chính thức do Hội đồng Hiến pháp công bố, việc giậm chân tại chỗ trong các cuộc thăm dò dư luận của Bayrou bị coi là một thất bại.

Vì vậy, cuộc míttinh quy mô tại Paris được xem là dịp để Bayrou thay đổi tình hình, đặc biệt là xóa đi hình ảnh thụ động khiến ông bị chỉ trích rất nhiều sau các thảm kịch diễn ra tại Toulouse và Montauban mới đây.

Tuy vậy, vẫn còn một điểm tích cực giành cho ứng cử viên trung dung này. Theo kết quả các điều tra ý kiến dư luận, Bayrou tiếp tục giữ được vị trí hàng đầu trong số các ứng cử viên được lòng dân, với trung bình khoảng 70% số người được hỏi có ý kiến đánh giá tốt theo thang điểm của Viện nghiên cứu dư luận Pháp (IFOP).

Nhưng đánh giá tốt về nhân cách không có nghĩa có thể gửi gắm niềm tin vào ứng cử viên này trong khả năng lãnh đạo.

Dư luận cho rằng trong số các ứng cử viên chính, François Bayrou là người "có dáng tổng thống nhất, hùng biện chắc chắn nhất, lại có trình độ văn hóa"…, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Để giành thắng lợi, không thể chỉ dựa vào một đảng phái, mà còn phải đề ra một chiến lược và một dự án thực sự tầm cỡ.

Bayrou chưa làm được như vậy để chứng minh năng lực lãnh đạo của mình trước các tầng lớp cử tri.

Được đánh giá tốt sau những phát biểu "báo động" dư luận Pháp về vấn đề nợ công, cựu Bộ trưởng Giáo dục François Bayrou đã nuôi ý định xây dựng một hình ảnh nghiêm túc và tập hợp trước các đối thủ cạnh tranh, những người ông cho là ảo tưởng (François Hollande) hoặc phân tán (Nicolas Sarkozy).

Tuy vậy, các diễn văn tiếp theo của ông quả thật đã không tạo được sự đột phá. Khi xảy ra thảm kịch tồi tệ tại Toulouse, ông đã chứng tỏ sự khác biệt với các đối thủ - những người đã tuyên bố tạm ngừng chiến dịch tranh cử để chia sẻ với các vấn đề thời sự - để tiếp tục kế hoạch của mình với những phát biểu mang hàm ý chỉ trích cánh hữu và phe cực hữu và có vẻ như đây là một sai lầm của ông.

Đáp lại, không chỉ bà Le Pen, mà nhiều nhân vật khác trong Chính phủ và Tổng thống Sarkozy đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích nặng nề Bayrou, cho rằng ông đã "công cụ hóa thảm kịch."

Và ứng cử viên trung dung có một ngày chủ nhật để míttinh, đáp lại những chỉ trích liên tục nhằm vào ông những ngày qua./.

Nguyễn Tuyên/Paris (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục