Phố Wall trải qua một tuần giao dịch khởi sắc nhất

Phố Wall đã trải qua tuần giao dịch khởi sắc nhất trong hơn 2 năm qua nhờ sự hợp sức của 6 ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới.
Phố Wall đã trải qua tuần giao dịch khởi sắc nhất trong hơn 2 năm qua nhờ sự hợp sức của 6 ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới nhằm tăng khả năng thanh khoản cho các ngân hàng đang kẹt vốn của châu Âu đã góp phần xoa dịu tâm trạng âu lo của giới đầu tư về những hậu quả nặng nề mà cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể gây ra.

Thị trường ghi điểm ngay từ phiên đầu tuần do giới đầu tư kỳ vọng sẽ có bước đột phá cho cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone khi nhà các lãnh đạo châu Âu cũng như thế giới đang ráo riết kiếm tìm giải pháp.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 vừa qua được coi là một ngày vàng ở Phố Wall khi các loại cổ phiếu chủ lực đồng loạt tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2009.

Nguyên nhân đầu tiên khiến các nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu là Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, mở ra triển vọng có thêm các dòng đầu tư mới. Tiếp đó là sự phối hợp hành động của 6 ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới gồm Mỹ, châu Âu, Anh, Thụy Sỹ, Nhật Bản và Canada, cho phép các ngân hàng châu Âu đang chống chọi khủng hoảng được quyền tiếp cận dễ dàng hơn đối với các nguồn vốn bằng USD.

Nhờ đó chốt phiên này chỉ số Dow Jones tăng 490,05 điểm (4,2%) lên 12.045,68 điểm. Đây là mức tăng điểm lớn nhất trong một phiên giao dịch của cổ phiếu "Bluechip" này kể từ ngày 23/3/2009, thời điểm Dow Jones ghi tới 497 điểm (6,8%). Chỉ số Nasdaq cũng tăng thêm 4,2% lên 2.620,34 điểm và là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 23/8. Chỉ số S& P 500 nhích thêm 4,3% lên 1.246,96 điểm, mức tăng lớn nhất kể từ ngày 11/8. Cổ phiếu của các ngân hàng tăng giá mạnh nhất, dẫn đầu là JP Morgan tăng 8,4% và Bank of America tăng 7%.

Nhưng sau ba phiên khởi sắc nhất trong vòng một năm qua, đà hồi phục của Phố Wall đã chững lại khi chốt phiên đầu tháng vào ngày 1/12 vừa qua khi các chỉ số chủ chốt đều bị mất điểm, cho dù không nhiều. Chỉ số Dow Jones để tuột 25,65 điểm còn 12.020,03 điểm, lần giảm điểm đầu tiên sau khi giành tới gần 500 điểm trong 5 phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 giảm 2,38 điểm xuống 1.244,58 điểm. Riêng Nasdaq lại ghi được 5,86 điểm lên 2.626,20 điểm.

Một ngày sau đó, Tân thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) lại đánh đi tín hiệu sẵn sàng can thiệp mạnh tay hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực, nếu các nhà hoạch định chính sách nhất trí trong cuộc họp vào tuần tới sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn ngân sách tại các nước Eurozone.

Có thể nói một loạt số liệu khả quan về hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung đã giữ cho thị trường tiếp tục đà đi lên, cho dù vẫn còn quan ngại về tình hình châu Âu.

Các nhà phân tích từ IHS Global Insight nhận định các chỉ số kinh tế tháng 11 vừa qua của Mỹ tiếp tục được cải thiện, mặc dù tình hình các nước khác biến chuyển theo hướng xấu hơn.

Tính chung cả tuần chỉ số Dow Jones tăng tổng cộng 7%, mức cao nhất kể từ ngày 13/7/2009 để chốt tuần ở mức 12.019,42 điểm. Nếu tính theo điểm, chỉ số Dow Jones đã ghi được 788 điểm, mức nhiều nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/10/2008. Chỉ số S& P 500 tăng tổng cộng 7,4%, mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ ngày 9/3/2009 và đóng tuần ở mức 1.244,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng mạnh nhất, tới 7,59% lên 2.629,93 điểm vào cuối phiên 2/12./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục