Các nước mới nổi đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân

Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản, các nước đang phát triển vẫn đẩy nhanh phát triển điện hạt nhân với hơn 60 lò phản ứng hạt nhân mới.
Ngày 20/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết sau thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, các nước đang phát triển vẫn đẩy nhanh phát triển điện hạt nhân với hơn 60 lò phản ứng hạt nhân mới đang được xúc tiến xây dựng, 163 lò phản ứng khác đang được đặt hàng hoặc lên kế hoạch xây dựng trên toàn cầu.

Công ty xuất khẩu hạt nhân của Nga, Rosatom cho biết số đơn đặt hàng xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới của công ty không giảm mà đã tăng lên con số 21 vào cuối năm 2011.

IAEA nhấn mạnh phần lớn các lò phản ứng này đều thuộc về các nước mới nổi trong các chương trình công nghiệp hóa khát năng lượng.

Các nước này coi điện hạt nhân có ưu thế vì không lo ngại biến động của giá nhiên liệu như các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu đang cạn kiệt này.

IAEA cũng lưu ý rằng các nước đang phát triển tiếp tục tăng cường điện hạt nhân còn do sự khuyến khích của các nước xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân thông qua nguồn tài trợ và các chương trình đào tạo công nghệ hào phóng.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu điện toàn cầu tăng 2,4% hàng năm trong 2 thập kỷ tới và đến năm 2035, sẽ tăng 80% so với hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu điện trong thời gian này tăng hàng năm tới 5,4% ở Ấn Độ và 4% ở Trung Quốc so với chỉ 0,9% ở Liên minh châu Âu và 1% ở Mỹ.

Sẽ có 53% các nhà máy điện được xây dựng mới từ nay đến năm 2020, kể cả nhà máy điện hạt nhân, là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 38%. Nhu cầu điện tăng hàng năm của Trung Quốc đã bằng cả tổng sản lượng điện của nước Anh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục