"Ông Thích Nhất Hạnh cần lắng nghe từ hai phía"

Nhiều phật tử đã bày tỏ bức xúc về việc ông Thích Nhất Hạnh có bài viết nói nhiều điều không đúng sự thật về vụ Bát Nhã ở Lâm Đồng.
Nhiều phật tử đã bày tỏ bức xúc về việc ông Thích Nhất Hạnh có bài viết đăng trên các trang mạng nói những điều không đúng sự thật về vụ Bát Nhã ở Lâm Đồng với những lời lẽ nặng nề.

Ông Lương Hữu Cảnh, một phật tử ở thị xã Bảo Lộc - nơi tọa lạc của tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ - cho rằng ông Thích Nhất Hạnh cần lắng nghe đầy đủ từ hai phía. Ông Cảnh cho biết, ông là phật tử ở Bảo Lộc hơn 40 năm, và theo ông nhìn nhận, Chùa Phước Huệ đã cho những người tu tập theo pháp môn Làng Mai ở nhờ một thời gian nhưng do ở quá đông nên an ninh trật tự không đảm bảo, không đủ chỗ sinh hoạt, phật tử đến chùa cũng gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, phật tử yêu cầu trụ trì của chùa là ông Thích Thái Thuận phải sắp xếp cho những người này chuyển đi.

"Các phật tử ở đây đến nói chuyện có tình, có lý, rất đàng hoàng nhưng ông Thích Thái Thuận không muốn nói chuyện mà cứ bảo chờ cấp trên, trong khi Giáo hội Phật giáo đã nói rất rõ," ông Cảnh khẳng định. "Chính vì thế mà một vài phật tử bức xúc có nói lớn tiếng. Thế là mấy ông [ông Thích Thái Thuận và những người theo pháp môn Làng Mai] cứ nói cho to chuyện chứ làm gì có đàn áp."

Ông Cảnh bức xúc: "Ông Nhất Hạnh ở đâu rồi nghe người khác nói chứ không hề tới đây gặp những người trong cuộc. Phật tử chúng tôi muốn gặp ông Nhất Hạnh và chúng tôi sẽ nói cho ông ta biết rõ mọi việc một cách trung thực nhất, chính xác nhất. Làm gì có chuyện chính quyền thuê côn đồ. Côn đồ là ai? Những phật tử vào nói chuyện với những người theo pháp môn Làng Mai, với ông Thích Thái Thuận, đều là người đàng hoàng ở địa phương này, sao nói họ là côn đồ?"

Cũng bức xúc như ông Lương Hữu Cảnh, một phật tử khác ở phường B’Lao - thị xã Bảo Lộc là ông Đậu Công Huệ, 81 tuổi, tỏ thái độ bất bình về những điều ông Nhất Hạnh viết trong bài "Bát Nhã là một công án thiền."

Ông Huệ khẳng định: “Chúng tôi cũng xem trên mạng đăng bài của ông Nhất Hạnh và thấy những điều họ nói là không đúng. Chùa chúng tôi cho những người này ở nhờ tạm thời thôi. Họ ở quá đông. Khi đi lễ phật ở chùa Phước Huệ, chúng tôi thấy lộn xộn quá. Cả tăng cả ni ở lẫn lộn với nhau. Qua đó Phật tử chúng tôi thấy mất tâm nguyện, tâm linh khi đến chùa. Vì thế phật tử chúng tôi bàn với thầy Thái Thuận để họ đi nơi khác thế nhưng thầy không nghe. Chúng tôi thấy chùa của mình đóng góp xây dựng lên nhưng giờ những người tu theo pháp môn Làng Mai đến ở hết. Chúng tôi không vừa lòng, bất bình, thầy không nghe, phật tử chúng tôi đành phải kiên quyết. Làm gì có chính quyền hay tổ chức nào đó đến xúi giục."

Ông Huệ cho biết, khi phái đoàn EU đến Bảo Lộc tìm hiểu về vụ Bát Nhã, phật tử đã phản đối rất mạnh và đầy đủ về những điều vu khống trên các trang mạng của những phần tử xấu, của nhóm người tu theo pháp môn Làng Mai.

Ông Huệ khẳng định: "Những trang mạng này không khách quan, không đăng tải những ý kiến chính thức của phật tử chúng tôi. Chùa Phước Huệ do phật tử đóng góp xây dựng từ nhiều thập niên qua và ông Thích Thái Thuận được bổ nhiệm về làm trụ trì ở đây. Ông Thái Thuận không thể lo cho nhóm theo pháp môn Làng Mai mà biến chùa của phật tử thành nhà trọ, chúng tôi không đồng tình."

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ni sư Thẩm Liên - trụ trì Tịnh xá Ngọc Lâm tại thị xã Bảo Lộc khẳng định: “Sao lại nói không có tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nói thế là sai hoàn toàn. Tôi xuất gia từ thời Pháp thuộc và đến nay hơn 50 năm tu hành, tôi thấy hiện giờ tu hành tự do nhất, thuận lợi nhất, dễ dàng nhất."

Ni sư nhấn mạnh, đất nước Việt Nam có Giáo hội Phật giáo được Nhà nước công nhận, có hiến chương Phật giáo rõ ràng. Thành phần nào tu không đúng theo hiến chương thì các cơ quan chức năng có quyền xem xét, giải quyết; thành phần nào tu đúng theo hiến chương phật giáo thì Nhà nước giúp đỡ, ủng hộ. "Rõ ràng như thế thì sao lại nói không có tự do tôn giáo," ni sư Thẩm Liên nói.

Theo ni sư, việc ông Nhất Hạnh cho rằng pháp môn Làng Mai là cơ hội hiếm có để hiện đại hóa phật giáo Việt Nam chẳng qua là muốn bành trướng cách tu của ông ta.

Ni sư Thẩm Liên cho rằng, ông Nhất Hạnh kêu gọi mọi phật tử tiếp tục cái gọi là “công hạnh” đấu tranh như Phật giáo đấu tranh dưới thời Mỹ-Ngụy là không nghe được. "Đất nước Việt Nam đã được giải phóng mấy chục năm rồi, đang thanh bình, sao mình không gìn giữ mà đấu tranh cái gì đây? Mình tu tốt, làm điều tốt thì sao lại không tu được?"

Ni sư nhấn mạnh: "Người tu lúc nào cũng cần tự kiểm soát bản thân mình. Ông Nhất Hạnh nói nhiều điều không chính xác bởi nhiều khi chính cặp mắt mình nhìn còn chưa chính xác huống chi lại đi nghe người khác nói.”/.

Phan Văn Đông (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục