Cơn bĩ cực của kịch

Cơn bĩ cực của sân khấu kịch Hà Nội

Sân khấu kịch Hà Nội đang ở thời bĩ cực: Khan hiếm kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên có tài, phê bình sân khấu không có chỗ đứng...
Sân khấu kịch Hà Nội đang ở thời bĩ cực nhất: Khan hiếm kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên có tài, có tâm, phê bình sân khấu không có chân trong đời sống nghệ thuật, quản lý nghệ thuật không phát huy được vai trò...

Biểu diễn "khoán"

Từ năm 1995 đến nay, hội diễn sân khấu dần mất đi tác dụng của nó. Chất lượng các tác phẩm ngày một giảm sút, khi mà các đoàn cứ cố gắng mời cho được đạo diễn giỏi đến dựng vở trong khi những người như vậy lại quá ít, dẫn tới việc bao sân, thời gian gấp rút dẫn tới dựng vở vội vàng, gượng gạo, méo mó....

Chính vì thế dù  vở đạt giải vàng nhưng rất ít người xem. Bởi gắng gượng chạy theo thành tích ảo, không quan tâm đến thị trường và khán giả, nhiều đoàn lao vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Đến nay các sân khấu kịch vẫn sống nhờ bao cấp của Nhà nước. Mỗi năm, để "hoàn thành nhiệm vụ", "hoàn thành chỉ tiêu nhà nước", các đoàn dựng ra hai vở mới, kinh phí vẫn theo kiểu xin - cho.

Dựng vở theo kiểu "khoán" cộng với nguồn hỗ trợ hạn hẹp đã không kích thích được sự sáng tạo của nghệ sĩ, không đòi hỏi nhà quản lý phải động tâm, động não đi tìm giải pháp thoát hiểm cho đơn vị mình. Biểu hiện rõ nhất của việc quản lý yếu kém là việc ra đi của các diễn viên tài năng.

Nhà hát không rạp hát


Trong khi chờ ngày khánh thành rạp Công nhân (đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp), Đoàn kịch Hà Nội phải tập dượt  trong một nhà kho xập xệ, cũ nát, ngoài nền ximăng xây cao hơn mặt sàn khoảng nửa mét dùng làm sàn diễn, không thấy bất kỳ đạo cụ sân khấu nào.

Mặc dầu có thời gian dài lấy Nhà hát Lớn là nơi biểu diễn chính nhưng tựu trung, Nhà hát kịch Việt Nam không có rạp hát ngoài một sàn diễn vẻn vẹn 150 chỗ ngồi nằm bên hông Nhà hát Lớn. Nhiều buổi diễn, nghệ sĩ phải ra đón khán giả vào rạp vì sợ họ đi nhầm, do trên thực tế rất  ít khán giả biết đến sự tồn tại của sàn diễn này.

Với Nhà hát Tuổi trẻ, địa chỉ dễ tìm hơn, 11 Ngô Thì Nhậm nhưng sân khấu cũng đang trong tình trạng xuống cấp.

Ngay đến Nhà hát Lớn, vốn được coi là nhà hát bậc nhất Việt Nam hiện nay, vẫn chưa thực sự là nơi lý tưởng để biểu diễn. Khi sân khấu thì bất tiện cho diễn xuất bởi nó vươn dài ra phía trước, không tương xứng với hệ thống cánh gà.

Kịch bản yếu, đạo diễn thiếu, diễn viên kém tài


Một thực tế đáng buồn, nhiều người viết kịch bản hiện nay chưa qua lớp đào tạo bài bản nào. Học kinh nghiệm từ vài khóa tập huấn, trại sáng tác không đủ giúp cho tác giả có nhiều kiến thức về lịch sử biên kịch hoặc những hiểu biết kỹ thuật viết cơ  bản. Và ngay tại trường có lớp đào tạo biên kịch, giáo trình đào tạo đã tỏ rõ sự lúng túng và giảng viên biên kịch hầu như không có.

Về phía đạo diễn, ở Hà Nội, nhìn trước ngó sau cũng chỉ có dăm ba người có "thương hiệu" nhưng cũng đã bước sang tuổi ngũ tuần. Còn các sinh viên - đạo diễn trẻ sau khi ra trường, hầu như không có cơ hội để dựng vở, có học mà không được hành. Từ đó dẫn đến việc đạo diễn có thương hiệu bao sân, và cũng bởi bao sân họ ít có thời gian tìm tòi nên thường lặp lại chính mình qua nhiều vở diễn, số lượng vở diễn được dựng thì nhiều mà chất lượng thì thấp.

Với diễn viên, các lỗi về nghệ thuật diễn xuất thường xuyên bị mắc phải. Diễn xuất ngượng nghịu, gây tẻ nhạt đã đành, đằng này, chuyện diễn viên nói vấp, nói nhịu, không thuộc kịch bản... là những lỗi khó có thể bỏ qua.

Nguyên nhân một phần là do diễn viên không đủ sức sáng tạo, làm tốt hoặc đóng cho đạt vai diễn, ngoài ra, cũng là do đạo diễn vốn thạo nghề, muốn dựng vở nhanh nên ẩu, có vài miếng võ thì lắp vở trước cũng được , vở sau cũng xong, dẫn tới việc áp chế khả năng sáng tạo của diễn viên, biến diễn viên thành cái bòng lờ nhờ./.

"Tôi nghĩ trước hết, những người làm sân khấu phải tự kiểm điểm mình. Đạo diễn trẻ thì chưa vững tay nghề. Đạo diễn có chút tiếng tăm thì khó thoát khỏi cái bóng của mình. Trước đây, tôi thích cái sân khấu bục bệ của anh Doãn Hoàng Giang. Nhưng rồi, một vở, hai vở... đến vở thứ ba thì... ngán quá. Người khá ở mảng trò thì yếu nền tảng văn học và xử lý tổng thể. Sự hành nghề của đạo diễn  chủ yếu ở cái miệng, tức là nói để cho diễn viên tự sáng tạo. Thế mà có người chỉ thích thị phạm để diễn viên bắt chước cho... nhanh. Như vậy, vô hình chung đã  làm giảm khả năng sáng tạo của người diễn." (Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang)./.
(TT&VH cuối tuần/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục