Đầu tư giảm khiến kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp

Sự dịch chuyển cơ cấu lực lượng lao động và đầu tư giảm sút là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi chậm chạp.
Sự dịch chuyển cơ cấu lực lượng lao động và đầu tư giảm sút là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi chậm chạp.

Đây là nhận định đưa ra trong báo cáo công bố ngày 14/11 của Cơ quan Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO).

CBO đã nêu ra một triển vọng ảm đạm khi nhận định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang có xu hướng chững lại.

Theo cơ quan trên, kể từ sau "bão" tài chính 2007-2009, tốc độ tăng trưởng lũy kế của nền kinh tế Mỹ thấp hơn mức trung bình trong thời kỳ trước khủng hoảng tới 9%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng tiềm năng (mức tăng của tổng sản phẩm quốc nội - GDP - một nước có thể đạt được trong các điều kiện kinh tế bình thường) sụt giảm và các nhân tố chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng có tính chu kỳ như chi tiêu của chính phủ, đầu tư vào lĩnh vực địa ốc và sức mua của người tiêu dùng đều giảm.

Theo CBO, tác động của suy thoái kinh tế và quá trình phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ sẽ kéo dài trong thập kỷ tới. Cơ quan này ước tính tăng trưởng GDP thực của Mỹ trong năm 2022 sẽ ở mức khiêm tốn 2,1-2,4%.

CBO cho rằng nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới là những xu hướng dịch chuyển đáng quan ngại trong lực lượng lao động.

Trong giai đoạn từ năm 2009 đến quý 2/2012, số nhân công tiềm năng tại Mỹ chỉ tăng 2,3%, bằng một nửa so với mức trung bình của giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Sự gia tăng dân số tự nhiên chững lại trong khi số người lao động đến tuổi nghỉ hưu tăng cao và lao động nữ giảm là những yếu tố khiến lực lượng lao động tại Mỹ không được cải thiện.

Thêm vào đó, việc bị mất việc làm quá lâu trong thời kỳ khủng hoảng cũng ảnh hưởng tới kỹ năng của người lao động. Thậm chí một số người không thể làm việc trở lại khi có cơ hội việc làm hoặc thời gian thích nghi với công việc mới kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng lao động.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua một yếu tố khác ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ và triển vọng tăng trưởng, đó là đầu tư giảm sút mạnh trong giai đoạn khủng hoảng và hiện vẫn ở mức thấp lịch sử. Biểu hiện rõ nhất là trong lĩnh vực địa ốc.

Báo cáo của CBO đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vẫn chưa thống nhất được một thỏa thuận cho việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế có hiệu lực từ thời Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush cũng như kế hoạch cắt giảm chi tiêu tự động và giảm thâm hụt ngân sách liên bang.

Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn kiên trì quan điểm rằng thiểu số người giàu ở Mỹ cần phải đóng thuế cao hơn, trong khi phe Cộng hòa cho rằng bất cứ sự tăng thuế nào cũng sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, và tác động tiêu cực tới thị trường việc làm vốn đang khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp trên dưới 8%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục