Kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng do "khủng hoảng điện"

Theo giới phân tích, "cuộc khủng hoảng điện" tồi tệ nhất lịch sử Ấn Độ là một cảnh báo lớn đối với nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này.
Sau hai ngày mất điện nghiêm trọng trong "cuộc khủng hoảng điện" tồi tệ nhất lịch sử nước này, ngày 1/8, Ấn Độ đã dần trở lại bình thường với việc cung cấp và sản xuất điện năng được khôi phục. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là một cảnh báo lớn đối với nền kinh tế thứ ba khu vực châu Á này.

Ấn Độ đã đặt mục tiêu "Nhiệm vụ 2012: Điện cho tất cả mọi người," song theo các nhà kinh tế hàng đầu nước này thì với tình trạng cung cầu hiện nay, mục tiêu trên khó lòng đạt được. Nghiêm trọng hơn thế là vấn đề khủng hoảng điện có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.

Ông Rajiv Kumar, Tổng thư ký Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ, nhận xét: "Năng lượng giống như máu trong cơ thể vậy. Nó có ý nghĩa sống còn với tăng trưởng kinh tế. Nếu thiếu năng lượng, nền kinh tế không thể hoạt động."

Liên minh các ngành công nghiệp Ấn Độ (CII) cho biết, nhiều ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã thiệt hại hàng tỷ rupee vì khủng hoảng điện. Theo một quan chức giấu tên của Bộ Thương mại Ấn Độ, cho dù các ngành công nghiệp lớn đều có hệ thống điện dự phòng, song nguồn cung bất ổn vẫn ảnh hưởng đến đầu tư và làm các doanh nghiệp nhỏ lao đao.

Hơn 65% sản lượng điện sản xuất tại Ấn Độ từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như than đá, khí đốt và dầu mỏ, khoảng 19% là từ thủy điện, chỉ 2% là điện nguyên tử và 12% từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, nhưng Ấn Độ luôn trong tình trạng thiếu điện tới 10% trong giờ cao điểm, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng vừa qua được xem là một cảnh báo rằng sự phát triển của ngành điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đánh giá về tình trạng hỗn loạn trong hai ngày 30-31/7, Tổng Giám đốc CII Chandrajit Banerjee nói: "Đây là một trong những cuộc khủng hoảng điện lớn nhất trên thế giới, khiến 20/29 bang của Ấn Độ mất điện." Yêu cầu về cơ sở hạ tầng đã đến mức cấp bách để có thể theo kịp các tham vọng phát triển.

Ở khu vực nông thôn, hàng trăm triệu người Ấn Độ vẫn chưa có điện. Để giải quyết nguồn gốc vấn đề, Ấn Độ cần tăng cường nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện, đầu tư vào sản xuất điện từ các nguồn tài nguyên mới để cung cấp cho dân số lên tới 1,2 tỷ người. Ở khía cạnh nhiên liệu, nhà cung cấp than chính là Tập đoàn quốc doanh Than Ấn Độ (CIL) luôn không đạt được mục tiêu sản lượng vì công nghệ lạc hậu.

Trong giai đoạn 2011-2012, sản lượng của CIL chỉ tăng 4,5 triệu tấn trong giai đoạn 2011-2012 nhưng theo tính toán thì để đáp ứng nguồn cung, tập đoàn này phải nâng sản lượng lên 64 triệu tấn trong năm tài khóa 2012-2013.

Theo giới phân tích, đó là một mục tiêu bất khả thi trong điều kiện hiện nay. Ấn Độ cũng đã cố gắng tăng công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu ngày tăng, song một số nhà máy đang lâm vào tình trạng "ăn không ngồi rồi" vì thiếu hụt nhiên liệu.

Ấn Độ mong muốn đến năm 2050, điện nguyên tử chiếm khoảng 25% sản lượng điện năng của nước này, sau khi Ấn Độ đã có được thỏa thuận với Mỹ từ năm 2008, cho phép New Delhi nhập khẩu công nghệ hạt nhân dân sự./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục