Giải Nobel Hòa bình vỡ mộng vì “Mùa Xuân Arập”

Với việc hàng loạt cuộc xung đột, các nhà quan sát nói sân chơi dành cho các ứng viên có khả năng đoạt Nobel Hòa bình được mở ra rất rộng.
Với việc hàng loạt cuộc xung đột đang chia rẽ hành tinh của chúng ta, các nhà quan sát nói rằng sân chơi dành cho các ứng viên có khả năng đoạt giải Nobel Hòa bình đã được mở ra rất rộng. Liệu một nhà lý luận về biểu tình phi bạo lực, với ý tưởng đã truyền cảm hứng cho các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ai Cập, sẽ được tôn vinh. Hay đó có thể là các nhà hoạt động vì nhân quyền người Nga hoặc Belarus? Phỏng đoán đã tăng cao trước lễ trao giải Nobel Hòa bình, dự kiến được công bố ngày hôm nay. Tuy nhiên chưa có ai là gương mặt nổi trội so với các đối thủ. "Mùa xuân Arập hay có thể là Mùa thu Arập, vẫn đang chiếm vị trí lớn trên các kênh tin tức" - Jan Egeland, một người Na Uy lãnh đạo bộ phận Giám sát nhân quyền của châu Âu cho AFP biết, chỉ ra rằng các cuộc nổi dậy ở thế giới Arập đã thay đổi thể chế tại Tunisia, Ai Cập, Libya và rung chuyển nhiều nước khác cũng được đề cập nhiều trong năm ngoái  - "Chi tiết mới mẻ nằm ở chỗ phong trào từng mang tới hy vọng khi giải thưởng Nobel được trao trong năm ngoái, nay đã trở thành điều gây thất vọng". Năm 2011, Ủy ban Nobel ở Oslo đã ca ngợi làn sóng biểu tình ở thế giới Arập thông qua việc trao cho nhà hoạt động Yemen  Tawakkol Karman giải Nobel Hòa bình, cùng với 2 phụ nữ Liberia là Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf và nhà hoạt động vì hòa bình  Leymah Gbowee. Nhưng kể từ năm ngoái, phong trào biểu tình đã dần đi tới chỗ vỡ mộng, khi cuộc nội chiến ở Syria rơi vào vòng mất kiểm soát, Libya đối diện với nguy cơ xung đột giữa các nhóm quân sự và những quan ngại về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng diễn ra tại Ai Cập cùng Tunisia. "Tuy nhiên người ta sẽ vẫn tôn vinh những ai đang chiến đấu vì dân chủ, vì sự thay đổi hòa bình ở Trung Đông, hoặc những người đang kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo, vào thời điểm khi chúng ta đang chứng kiến những hoạt động phân biệt hết sức nguy hiểm giữa các tôn giáo" - Egeland nói.
Sẽ lựa chọn ai?
Nhưng ai sẽ được chọn để trao giải? Với tổng cộng 231 cá nhân và tổ chức được đưa vào danh sách ứng cử viên, đoán xem ai giành chiến thắng là công việc khá khó khăn, đặc biệt khi danh tính của những người được đề cử đã không được tiết lộ. Kristian Berg Harpviken, lãnh đạo Viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo phỏng đoán giáo sư khoa học chính trị Mỹ Gene Sharp sẽ giành giải năm nay. Harpviken chỉ ra rằng ông "là nhà phân tích quan trọng nhất về các kỹ thuật biểu tình phi bạo lực".

Ứng cử viên giải Nobel Hòa bình Gene Sharp (Nguồn: AFP)
Các trang cá cược cũng đề cao Sharp, người đã cho ra đời các lý thuyết giúp tạo nên những cuộc biểu tình lớn quanh toàn cầu, như tại Quảng trường Tahrir tại Cairo. Họ xem ông là cái tên tốt nhất để đặt cược cho mùa giải năm nay. Những cái tên khác được phỏng đoán gồm có nhà hoạt động nhân quyền đã chống việc mặc áo burka người Afghanistan Sima Samar và Maggie Gobran, người được mệnh danh là Thánh mẫu Teresa Ai Cập vì giúp người nghèo ở Cairo. Tuy nhiên sử gia Nobel Asle Sveen nói rằng giải thưởng sẽ khó được trao cho Gorban, một người Thiên Chúa giáo Trung Đông. Ông chỉ ra việc bạo lực mới bùng phát gần đây liên quan tới bộ phim báng bổ Hồi giáo mang tên "Sự ngây thơ của người Hồi giáo", do một nhân vật thuộc Thiên Chúa giáo Trung Đông thực hiện. "Trao giải Nobel cho một người Thiên Chúa giáo Trung Đông hiện nay chẳng khác nào việc đổ thêm dầu vào lửa" - Sveen nói. Thay vì thế, ông phỏng đoán giải thưởng có thể trao cho nhà hoạt động nhân quyền Belarus Ales Belyatsky, người bị bắt hồi tháng 8/2011 trong phiên tòa bị Liên minh châu Âu lên án là "có động cơ chính trị". Theo Sveen, nếu Belyatsky được lựa chọn, sử gia kiêm nhà hoạt động nhân quyền người Nga là Lyudmila Alekseyeva, 85 tuổi và đang lãnh đạo Nhóm Quan sát Helsinki Moskva, có thể sẽ được trao chung giải Nobel Hòa bình cùng ông. Các cái tên khác có thể được cân nhắc là cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, kiến trúc sư trưởng của một châu Âu thống nhất và hiện đang rung chuyển bởi khủng hoảng; giám mục Mexico Jose Raul Lopez cũng như những người đã thúc đẩy quá trình cải cách ở Myanmar. Ủy ban Nobel sẽ công bố tới 3 người chia sẻ chung giải Nobel trong ngày 12/10 vào lúc 11h trưa theo giờ địa phương, tức chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam. Giải thưởng, gồm một bằng chứng nhận đoạt giải, một huy chương vàng và 8 triệu kronor Thụy Điển (1,2) triệu USD, sẽ được trao trong một buổi lễ tổ chức tại Oslo vào ngày 10/12.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục