Chứng khoán châu Á tuột dốc trên sàn Phố Wall

Chứng khoán châu Á đồng loạt đổ dốc do ảnh hưởng từ sự sụt giảm mạnh trên các thị trường hàng hóa và nợ công tại khu vực Eurozone.
Trong phiên giao dịch ngày 12/5, các thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt đổ dốc sau phiên bán tháo trên thị trường Phố Wall đêm trước (11/5), do hậu quả của sự sụt giảm mạnh trên các thị trường hàng hóa và những quan ngại về tình hình nợ công tại khu vực Eurozone.

Sự tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi các thị tường hàng hóa trong phiên 11/5, trong đó có thị trường dầu mỏ, xuất phát từ những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu yếu đi tại hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cùng việc mạnh lên của đồng USD, đã lan sang thị trường cổ phiếu và khiến Phố Wall có một phiên đỏ sàn.

Đóng cửa phiên 11/5, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh, với Dow mất 1,02%, S&P 500 giảm 1,11% và Nasdaq Composite tụt 0,93%.

Tiếp nối màu đỏ trên thị trường New York đêm 11/5, các sàn chủ chốt của châu Á trong phiên 12/5 cũng hầu như nhuộm trong sắc đỏ.

Sàn Tokyo đóng cửa phiên này để mất tới 147,61 điểm (1,50%) - mức giảm phần trăm lớn nhất của sàn này trong 1 tháng qua, xuống 9.716,65 điểm.

Tương tự, sàn Sydney tụt lùi 1,76%, Seoul để mất 2,03%, Hong Kong giảm 0,94% và Thượng Hải mất 1,36% (39,34 điểm), xuống 2.844,08 điểm. Duy chỉ có thị trường Đài Loan là "lội ngược dòng" tăng điểm, dù khá khiêm tốn, với mức tăng 0,15%.

Tâm lý bi quan còn bao trùm lên các thị trường sau khi Trung Quốc tuyên bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Tư đã tăng 5,3%, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 5,4% của tháng Ba, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% của chính phủ.

Thông tin này làm dấy lên nỗi lo ngại Bắc Kinh có thể sẽ sớm thực hiện một loạt giải pháp siết chặt tiền tệ để kìm lại "con ngựa bất kham" lạm phát.

Thậm chí cả vàng cũng trở thành nạn nhân của làn sóng bán tháo hàng hóa đang lan rộng, khi đóng cửa thị trường Hong Kong giảm xuống so với phiên trước, chỉ còn 1.496 USD/ounce so với 1.254,30 USD/ounce của phiên 11/5.

Trong khi đó, đồng USD lại mạnh lên do những lo ngại về tình hình còn đầy bất ổn tại khu vực Eurozone, đặc biệt là tại Hy Lạp. Và thông thường khi đồng bạc xanh mạnh lên sẽ khiến giá hàng hóa trở nên kém hấp dẫn hơn, hàng hóa, và cả cổ phiếu sẽ bị bán đi để thu hồi về đồng USD có giá trị hơn./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục