Giới thượng lưu Ấn Độ "chuộng" tác phẩm nghệ thuật

Cứ mỗi tối, giới thượng lưu đam mê nghệ thuật ở thủ đô Delhi của Ấn Độ lại rảo bước ra khỏi các phòng triển lãm đông nghịt.
Cứ mỗi tối, giới thượng lưu đam mê nghệ thuật ở thủ đô Delhi của Ấn Độ lại rảo bước ra khỏi các phòng triển lãm đông nghịt, hòa mình vào một mê cung đường phố, nhấm nháp những ly rượu vang khi chăm chú ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật.

Lado Sarai, vốn là một khu vực đầy các ngõ hẻm và nhà cửa xây dựng lộn xộn ở thủ đô New Delhi, đang trở trành một khu nghệ thuật mới làm ăn phát đạt với những chiếc Mercedes và BMW phải chen lấn với xe thô sơ để có thể đi đến.

“Với những diễn biến không ổn định hiện nay của nền kinh tế, giờ tôi chỉ đầu tư vào những tài sản thực sự như vàng, bất động sản - và các tác phẩm nghệ thuật” - Suresh Basu, 34 tuổi, một giám đốc ngân hàng bày tỏ khi anh dạo qua một phòng tranh với bạn gái của mình.

Thực tế đã chứng minh, nếu như sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc có thể giúp phát triển các nền nghệ thuật quan trọng trong nước thì đất nước phát triển nhanh như Ấn Độ, những người ở tầng lớp trung lưu đã bắt đầu tỏ ra ưa chuộng các tác phẩm nghệ thuật.

Lado Sarai, một trong rất nhiều khu vực trước đây không nhận được nhiều sự đầu tư, đã nổi lên như một khu phố nghệ thuật khi rất nhiều ông chủ đang bắt đầu mở các phòng trưng bày của mình.

Sự hấp dẫn của Lado Sarai là ở chỗ nó là một ngôi làng tự trị, điều này có nghĩa là nơi đây không bị ảnh hưởng bởi các chính sách hạn chế của chính phủ. Và thực sự là giá thuê cũng thấp hơn nhiều so với ở trung tâm thành phố Delhi.

Neha Kirpal, Giám đốc Hội chợ Triển lãm nghệ thuật hàng năm của Ấn Độ cho biết: “Những người chủ sở hữu phòng tranh có thể kiếm được phòng ốc rộng rãi hơn khi ở đây.”
 
 Sở dĩ khu vực ồn ào này bỗng chốc đi tiên phong và trở thành một khu nghệ thuật là do nữ doanh nhân Mamta Singhania cần một không gian mới để trưng bày các tác phẩm của mình sau khi các quan chức quy hoạch đô thị cho biết phòng tranh của cô không còn được hoạt động trong khu dân cư nữa.

Kết quả là trong một lần Singhania tình cờ đi ngang qua Lado Sarai, khu vực gần ốc đảo sang trọng phía Nam Delhi, bà đã đem đến cho nơi này với những sạp hàng thực phẩm, quần áo và những thứ đồ tạp hóa khác một phòng triển lãm đầu tiên vào năm 2009.

“Tôi không thể tìm được nơi nào phù hợp với túi tiền của mình vì thế tôi đã đến Lado Sarai và kể từ đó đã có rất nhiều phòng tranh khác mọc lên ở đây”, Singhania chia sẻ. “Cả khu phố đã trở nên ồn ào và náo nhiệt hơn nhiều.”

Các phương tiện truyền thông trong khu vực đã ví von khu vực này là “Đại lộ nghệ thuật” mới của Thủ đô.

Nhiều doanh nhân còn sắp xếp các buổi ra mắt phòng triển lãm của mình vào cùng một đêm vì vậy đám đông yêu thích nghệ thuạt có thể tham quan từ phòng tranh này sang phòng tranh khác.

“Đây là một nơi rất tuyệt để triển lãm” – đây là lời thán phục của ông Bose Krisnamachri, nghệ sĩ đến từ phía nam bang Kerala, người có những tác phẩm được trưng bày tại phòng tranh Latitude, một phòng tranh được thiết kế rất đẹp với ánh sáng được trang bị bắt mắt.

Cho tới thời điểm hiện nay, thị trường kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật ở Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn trứng nước, với doanh số đạt được chỉ chiếm khoảng 1% thị trường mua bán các tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu, tức là vào khoảng 40 tỷ USD nhưng các chuyên gia hy vọng thị trường này trong tương lai sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.

Hầu hết những người Ấn Độ đến mua tranh thuộc tầng lớp trung lưu hoặc tầng lớp thượng lưu giàu có.

“Với số lượng các chủ sở hữu phòng tranh hiện tại, chúng tôi mới đang ở đỉnh của tảng băng trôi vì thế thị trường kinh doanh nghệ thuật ở Ấn Độ có thể trông đợi một tương lai phát triển lâu dài trước mắt,” nhà tổ chức triển lãm tranh Kirpal cho biết.

Các phòng trưng bày ở Lado Sarai được mở cửa phục vụ cho mọi loại thị hiếu khách hàng, treo bán từ những tác phẩm có giá chỉ vào khoảng từ 100 USD hay 200 USD cho đến những tác phẩm được định giá tới hàng trăm ngàn USD.

“Người mua cần phải nghiên cứu nhiều hơn về các tác giả ở Ấn Độ” - Chủ phòng triển lãm Lado Sarai Must Art, Tulika Kedia, cho biết. “Thỉnh thoảng có những khách hàng chỉ đến và xin tôi lời khuyên xem nên mua tranh của tác giả nào. Nhưng nhiều khách hàng vẫn chỉ cảm thấy hài lòng với các tác giả nổi tiếng vì vậy các tác phẩm của những tác giả chưa có tên tuổi vẫn rất khó bán.”

Những năm trở lại đây, người Ấn Độ chỉ mua các tác phẩm của người Ấn, nhưng các đại lý ở nước ngoài tin rằng với sự tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ như hiện nay, các khách hàng giàu có sẽ chú ý đến các tác phẩm nghệ thuật quốc tế.

“Hiện nay, các phòng triển lãm ở phương Tây xem Ấn Độ là một thị trường quan trọng để tiêu thụ các tác phẩm của họ” - Kakar, chủ phòng tranh Latitude, nói.

“Năm 2008, khi Kirpal tổ chức hội chợ triển lãm nghệ thuật đầu tiên, chỉ có 34 phòng triển lãm đến từ 4 quốc gia tham gia triển lãm. Năm nay, 90 phòng triển lãm đến từ 19 quốc gia khác nhau sẽ cùng nhau tổ chức sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 25-29/1/2012” - Kirpal cho biết.

“Sớm hay muộn, tất cả các phòng triển lãm lớn trên thế giới sẽ có cửa hàng đặt tại Ấn Độ bởi đây sẽ là nơi họ sẽ có khả năng kiếm được nhiều lợi nhuận.” - bà cho biết./.

Hoàng Long (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục