Khơi thông thị trường, gỡ khó cho các doanh nghiệp

Trước áp lực hàng tồn kho tăng cao, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung khơi thông thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kinh tế tiếp tục khó khăn, cộng với sức mua của người tiêu dùng giảm sút... đã làm cho số lượng doanh nghiệp trong nước giải thể hoặc phá sản ngày càng tăng.

Trước tình hình trên, chiều 11/9, Bộ Công Thương đã có cuộc họp bàn để tìm các giải pháp giúp doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất và đứng vững trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đang đuối sức

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 13,78% so với cùng kỳ đã tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm khiến hàng tồn kho tăng cao.

Trong đó, ngành sản xuất giấy nhãn và bao bì tồn kho đã tăng 130%; tiếp đến là sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 113,3%; xi măng tăng 29,3% và sản phẩm từ thủy sản tăng 30,5%.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương, lượng Than hiện đang tồn 8,9 triệu tấn, cộng với giá than xuất khẩu (trừ bán cho các hộ trong nước) đã giảm khoảng 2,5% và xu hướng sẽ giảm thêm từ 15%-20% khiến các doanh nghiệp trong ngành này hết sức khó khăn.

Không chỉ vậy, gánh nặng về lãi suất cũng đang gây áp lực không nhỏ. "Dù nguồn vốn đã tiếp cận dễ dàng hơn, nhưng hàng không bán được nên các doanh nghiệp cũng không dám vay," ông Phan Chí Dũng, Vũ trưởng Vụ Công Nghiệp nhẹ dẫn chứng.

Theo ông Dũng, trong trường hợp này, kể cả ngân hàng hạ lãi suất thấp hơn nữa thì doanh nghiệp cũng không thể vay được, nên cần phải có biện pháp giải phóng hàng tồn kho bằng cách khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Khơi thông thị trường

Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ là tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng xuất khẩu hàng hóa. Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong 5 tháng đầu năm đã giải quyết 520 nghìn bộ hồ sơ liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, tương đương 5,9 tỷ USD.

"Ngoại trừ 1 số mặt hàng liên quan đến tài nguyên thì cơ bản không còn giấy phép nào được áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan," ông Chinh nói.

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu, trong đó đẩy mạnh hơn nữa chương trình bình ổn giá, kết nối sản xuất- dự trữ với hệ thống phân phối nhằm giảm giá thành cũng như cân đối cung-cầu trong nước.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, hiện nhiều giải pháp để tăng mua nông sản, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với từng vùng miền đang được nhân rộng.

"Thông điệp đưa tới doanh nghiệp là phải giải phóng hàng tồn kho bằng nhiều cách, kể cả giảm giá mạnh để quay vòng vốn. Bên cạnh đó, cần có sự liên thông giữa việc phát triển thị trường trong nước với thị trường nước ngoài," ông Quyền nêu ý kiến.

Ông Quyền cũng kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa các chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," hội chợ triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng cũng như giúp doanh nghiệp giảm hàng tồn kho.

Cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ trên, Bộ Công Thương đang đề xuất Ngân hàng nhà nước áp dụng việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nghiên cứu cơ chế bảo hiểm tín dụng với các thị trường tiềm năng nhưng có rủi ro cao và điều chỉnh linh hoạt thuế suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giảm 5% thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm hàng tồn kho và tiếp tục phát triển hệ thống phân phối  bán buôn bán lẻ nhằm kết nối doanh nghiệp với tiêu dùng, giúp cho sản phẩm do nông dân  làm ra tiêu thụ được nhiều hơn./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục