Vui như gặp "tủ!"

Đề Văn TNPT: Bất ngờ câu 1, câu 3 vui như gặp "tủ"

Học sinh ra khỏi phòng thi Văn khoe làm tốt câu 3. Chỗ này chỗ kia còn kháo "đoán được đề," rồi "cô giáo bảo thế!" khiến lầm tưởng lộ đề.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề văn của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ gồm ba câu hỏi. Trong đó, câu 1 là đơn vị kiến thức nhỏ với mức điểm tối đa là 2, câu 2 thuộc câu nghị luận hội có thang điểm là 3 điểm và câu chính chiếm 5 điểm.


Đề thi năm nay, câu 1 hỏi về hình ảnh cuối tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nhà văn Nguyễn Minh Châu gợi về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Cô giáo Phạm Thị Thu- Giáo viên dạy văn của trường trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) khẳng định học sinh sẽ làm được câu này không khó khăn.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng học sinh đã quá “mất công” học thuộc kỹ cuộc đời và sự nghiệp và tác phẩm của các tác giả văn học nước ngoài  là Solokhov, Lỗ Tấn, Hemingway để săn câu 2 điểm này nên coi như…"lệch tủ." Hai tác giả lớn trong nước là Hồ Chí Minh và Tố Hữu cũng được các em “nung nấu” từ quan điểm sáng tác đến sự nghiệp văn học, nhưng cuối cùng đề ra về một hình ảnh cuối trong một truyện ngắn.

Câu 2 trong cấu trúc đề thi vốn được học sinh coi là câu viết theo tùy hứng, không mất công học về lý thuyết, thì năm nay lại gây bối rối. "Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn con đường đúng cho mình." Câu hỏi khá thú vị này khiến nhiều học trò thấy thích thú và nhiều em lại hoang mang không biết mình viết thế có đúng không.

Bàn về các ngả đường đời đối với học sinh lớp 12 vừa rời ngưỡng cửa học đường phổ thông có vẻ như “trúng” và khá hay song quả tình là hơi khó với số đông các em.

Ở câu thứ 3, phần mà học sinh dồn tâm sức và thời gian ôn luyện nhiều nhất, năm nay đã được dự đoán tương đối 'trúng" bằng phương pháp loại trừ.

Cũng từ phương pháp loại trừ để dự đoán đề này, nhiều học trò đã kháo nhau đề này, đề kia khiến có nhiều người  lầm tưởng là lộ đề thi.

Cô giáo Nguyễn Bảo Nhung-Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn khẳng định không phải là có "tủ" hay lộ đề. Nếu là giáo viên văn thì đều hiểu rõ việc chỉ có 8 tác phẩm văn xuôi, trừ đi một số tác phẩm thi hai năm gần đây chỉ còn thế thôi.

Vì câu 3 được chọn, nên đề thứ hai của câu này là phân tích đoạn thơ trích từ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng lại càng được cho là “trúng tủ” vì chạm tới đề thi thử của nhiều trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, các giáo viên dạy văn thiên về đoán "tủ" là đoạn gần cuối bài thơ, bắt đầu bằng "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc", chứ không trùng với 14 câu thơ đầu bài thơ như đề năm nay ra.

Cô giáo Vũ Thị Bình-Giáo viên trường trung học phổ thông Trần Phú –Hoàn kiếm (Hà Nội) cũng cho biết: chốt lại khi ôn tập cũng chỉ có 6 bài thơ, loại trừ bớt thì còn vài ba bài. Yêu cầu thi tốt nghiệp thì đề như vậy là vừa sức. Cô Bình nói vui khi nhận định về đề: “Học sinh có đủ các trạng thái cần thiết. Một chút sững sờ, một chút ngơ ngẩn và một khoảng đủ yên tâm./.”

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục