Kỳ tích đáng nể của chàng kỹ sư trẻ mặc áo lính

Kỳ tích đường truyền dẫn tín hiệu lớn nhất Đông Nam Á hoàn thành trong chưa đầy 30 ngày có đóng góp lớn của anh Nguyễn Sỹ Hoài.
Đường truyền dẫn tín hiệu lớn nhất Đông Nam Á chạy qua 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia của Viettel được hoàn thành trong chưa đầy 30 ngày. Kỳ tích đó có đóng góp lớn của Nguyễn Sỹ Hoài và những người lính làm việc tại Công ty Mạng lưới Viettel.

Làm việc tại Trung tâm Truyền dẫn Viettel từ năm 2003, Nguyễn Sỹ Hoài (Trưởng phòng Khai thác Truyền dẫn, Công ty mạng lưới Viettel) gắn bó với nghề từ những việc giản đơn, khó nhọc nhất như: khảo sát, giám sát tuyến, lắp đặt thiết bị cho truyền dẫn để phục vụ kênh truyền cho BTS, ứng cứu thông tin…

Năm 2004, Hoài được điều động về Công ty di động Viettel (Viettel Mobile) và nhóm truyền dẫn chỉ có 5 người. Vào thời điểm đó, mạng của Viettel chỉ có một đường trục, nhưng phải truyền dẫn lên mấy nghìn trạm BTS. Do vậy, ban lãnh đạo lên kế hoạch tách phần liên tỉnh ra khỏi trục quốc gia nhưng chưa tìm ra giải pháp. Khi hỏi đối tác nước ngoài, họ đều trả lời: "Không thể làm được, không thể hỗ trợ được."

Tuy nhiên, sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, Hoài đã đề xuất và tìm được giải pháp mà không tốn nhân lực, vật lực khiến các đối tác nước ngoài rất ngạc nhiên về trình độ của kỹ sư Việt Nam.

Kỳ tích

Tháng 5/2011, Công ty Mạng lưới Viettel phát động phong trào thi đua thực hiện công trình "Triển khai lắp đặt, thông tuyến đường trục truyền dẫn quang Đông Dương."  Hoài đăng ký triển khai thực hiện trục cáp quang Đông Dương trong vòng 30 ngày.

Với các công ty viễn thông khác từng đầu tư đường trục tương tự, dự kiến thời gian để hoàn thành tuyến cáp quang Đông Dương tối thiểu cũng phải 3 tháng. Bên cạnh đó, việc thi công và thiết kế đường cáp quang hầu như do chuyên gia nước ngoài thực hiện và làm theo phương thức "chìa khóa trao tay" chứ người Việt Nam tham gia vào rất ít.

“Rất nhiều người không tin kế hoạch của tôi và các đồng đội có thể thực hiện được trong khoảng thời gian trên. Thậm chí một số người còn khuyên chỉ nên đăng ký lắp đặt, không nên đăng ký hoàn thiện bởi điều đó là không tưởng...," Hoài kể lại. Thế nhưng, Hoài và 13 người trong nhóm đều tin mình có thể làm được. 

Ngày 1/6, đội của Hoài xuất quân. Mất gần 10 ngày đầu, nhóm liên tục gặp phải trục trặc về thiết bị, vật tư. Để tiết kiệm thời gian, những lúc chờ thiết bị, Hoài triển khai trạm mẫu cho toàn nhóm thực hành, sau đó đưa ra các yêu cầu, phân nhóm, xây dựng kế hoạch, tính toán phân bổ trang thiết bị vật tư chi tiết tối ưu đến từng con ốc.

“Từ tổng trạm, anh Hoài kiên trì giải quyết từng sự vụ với từng nhóm đi tuyến, ứng xử với các lỗi thiết bị dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, anh Hoài cũng không ngừng động viên mọi người bình tĩnh và chủ động, phối hợp nhịp nhàng trong suốt quá trình các tổ làm và di chuyển trên đất bạn Lào, Campuchia”, thành viên này chia sẻ.
Đến ngày 23/6, khi công tác lắp đặt đã hoàn chỉnh thì phần kỹ thuật lại không thông. Các đội đều tập hợp về trung tâm điều hành và vạch ra các nguyên nhân nhưng không thể giải đáp. Lúc đó, trực tiếp Hoài cùng anh em đi các tuyến và dò từng chỗ một. Từ chỗ này lại suy luận ra nguyên nhân và khắc phục cho các tuyến khác. Đến ngày 24/6, mọi vấn đề nghi vấn đều được phát hiện đúng và khắc phục. 

Ngày 25/6, đường trục Đông Dương chạy qua 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia với chiều dài 3.500km, dài gấp đôi đường trục Bắc-Nam của Viettel tại Việt Nam chính thức hoàn thành, trước 5 ngày so với thời hạn. Đây là đường trục lớn nhất, phức tạp nhất và cũng khó khăn nhất mà Viettel đã triển khai. Đối với nước bạn Lào và Campuchia, đây là trục quốc gia đầu tiên mà họ có được với dung lượng tăng gấp 40 lần so với trước đó.

Sau phút nhận được thông báo thành công từ Hoài, ông Tào Đức Thắng - Giám đốc công ty Mạng lưới Viettel, chia sẻ: "Chúng ta đã thỏa ước mơ là có một đường trục Đông Dương." Riêng với Hoài, thành công lớn nhất của anh và đồng đội là tinh thần "tự lực, tự cường và làm chủ"./.

Mai Thanh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục