Đôi vợ chồng cùng vinh dự được gặp Bác Hồ

Vợ chồng ông bà Y Săm Niê và H’Yiêng Buôn Krông (Đắk Lắk ) luôn khắc ghi những điều Bác Hồ đã dặn dò khi họ vinh dự được gặp Bác.
Hiếm có cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số nào lại có được vinh dự lớn như ông bà Y Săm Niê và H’Yiêng Buôn Krông. Cả hai ông bà từng được gặp Bác Hồ, được Bác ân cần hỏi thăm, dặn dò. Họ luôn ghi nhớ, thực hiện những điều Bác đã chỉ dạy cho đến hôm nay.

Nhiệt huyết cách mạng thời thanh xuân

Chúng tôi vượt gần 100km đến buôn Bu Júk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để được gặp đôi vợ chồng có vinh dự ấy. Ông bà nay đều đã quá cái tuổi “xưa nay hiếm,” mắt đã mờ, chân tay chậm chạp nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về kỷ niệm được gặp Bác Hồ thì cả hai trở nên hoạt bát lạ thường, ánh mắt như bừng sáng.

Quê gốc của ông Y Săm ở xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1946, mới 14 tuổi, Y Săm đã đi theo bộ đội. Cuộc đời làm cách mạng của Y Săm cũng bắt đầu từ đó.

Những năm đó, cậu bé Y Săm chưa cao hơn khẩu súng trường của các chú bộ đội, nhưng nhờ nhanh nhẹn, cậu được phân công làm đội viên liên lạc cho bộ đội ở rừng.

Năm 1954, hiệp định Geneva được ký kết. Y Săm được tập kết ra miền Bắc và phiên vào Trung đoàn 120 (còn có tên là Trung đoàn Nơ Trang Lơng với hầu hết cán bộ, chiến sỹ là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, do Y Blốk Ê Ban làm chỉ huy) học tập, huấn luyện để chuẩn bị bổ sung nguồn cán bộ cho Tây Nguyên sau này.

Một vinh dự đến bất ngờ cho Y Săm cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn. Ngày 14/2/1957, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị.

Sau khi nói chuyện cùng toàn thể cán bộ chiến sỹ, Bác đã đến bắt tay từng người.

Đến lượt bắt tay Y Săm, Bác hỏi: “Chú là người dân tộc nào?”

Y Săm vội đáp: “Thưa Bác, cháu là người dân tộc Êđê ở Đắk Lắk ạ.”

Bác lại hỏi: "Chú đi xa vậy chắc nhớ nhà lắm phải không? Nhưng làm cách mạng thì phải biết hi sinh những tình cảm riêng tư, cố gắng học tập cho giỏi để mai này về phục vụ đồng bào mình thật tốt.”

Rồi Bác nói lớn: “Tây Nguyên đang thiếu cán bộ lắm, nhất là cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các chú phải cố gắng rèn luyện tốt để mai này trở về phục vụ đồng bào, phục vụ cách mạng.”

Hơn 53 năm nhưng đến nay, những lời của Bác dặn dò, chỉ bảo vẫn vang vọng mãi trong tâm trí của Y Săm.

Bà H’Yiêng cũng không “kém cạnh” chồng về nhiệt huyết cách mạng. Sinh ra và lớn lên ở buôn Bu Júk, xã Đắk Phơi - căn cứ cách mạng kiên trung. Năm 18 tuổi, H’Yiêng đã trở thành cô giao liên nhanh nhẹn, băng rừng vượt suối dẫn cán bộ đi hoạt động trong vùng địch hậu; gùi nhu yếu phẩm, đạn dược tiếp tế cho bộ đội.

Năm 1963, trong một lần đi gùi hàng vào tiếp tế cho bộ đội ở căn cứ H9 (huyện Krông Bông, Đắk Lắk bây giờ), đơn vị giao liên bị lọt vào ổ phục kích của địch.

Trong cuộc đọ súng sống còn ấy, nhiều đồng đội của H’Yiêng đã dũng cảm hi sinh như Ma Lê (dân tộc Ba Na), Y Hải Niê (dân tộc Êđê), H’Trinh (dân tộc M’nông)....

H’Yiêng bị thương nặng vào đầu và chân những vẫn cố gắng chiến đấu.

Ngay sau đó, nhờ sự chi viện của bộ đội chủ lực, quân địch đã bị đánh lui.

Sau thời gian được chữa trị vết thương tại một bệnh xá quân y dã chiến, đầu năm 1964, cô giao liên H’Yiêng được đưa ra miền Bắc để chữa bệnh và học tập tạo nguồn cán bộ cho Tây Nguyên.

Nhắc đến vinh dự được gặp Bác Hồ, giọng bà như chợt vút lên vui đến lạ thường: "Ra đến Hà Nội, sau một thời gian được điều trị, chăm sóc, sức khỏe mình dần hồi phục. Sau đó tôi được gửi đến một trường học ở ngoại thành để học văn hóa. Rồi một buổi sáng tháng 3/1964, trong tiết trời “rét nàng bân” của Hà Nội, tôi và một số chị em người dân tộc thiểu số khác được thông báo chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. Lúc đó, tôi sung sướng đến độ chân tay cứ cuống cả lên. Suốt chặng đường từ nơi học tập đến Phủ Chủ tịch, tôi cứ khấn Yàng mong cho đường ngắn lại.

Đến Phủ Chủ tịch, lúc ấy Bác đang họp với các lãnh đạo cao cấp của Đảng, mọi người không ai chịu vào phòng khách mà đứng ở tiền sảnh chờ Bác. Khi tiếng chuông giải lao của cuộc họp vang lên đã thấy Bác bước vội ra cửa giang rộng vòng tay ấm áp chào đón mọi người. Mọi người vây quanh Bác, ai cũng muốn được đứng thật gần Bác, được nghe Bác nói. Tôi nhanh nhảu giành được chỗ đứng cạnh Bác. Bác ân cần hỏi mình về cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, nói cả nỗi niềm mong mỏi được vào thăm đồng bào khi đất nước thống nhất. Bác động viên mình và mọi người cố gắng học tập để phục vụ đồng bào, phục vụ cách mạng.”

Báu vật vô giá

Bà H’Yiêng cẩn thận mở chiếc rương bằng gỗ lấy ra một chiếc túi nilông cứng và rút tấm hình đen trắng nâng niu trên đôi bàn tay gầy: “Đây là báu vật vô giá của tôi.”

Báu vật được bà cất giữ cẩn thận hơn 46 năm qua chính là bức ảnh kỷ niệm lần được gặp gỡ Bác, trong đó cô gái người dân tộc M’Nông H’Yiêng được đứng cạnh Bác và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh...

Cuộc gặp đầy bất ngờ đó như tiếp thêm sức mạnh cho cô gái M’Nông vốn nhút nhát. H’Yiêng vừa siêng năng học tập văn hóa, học chuyên môn thông tin, vừa hăng hái tham gia lao động sản xuất ở nhiều tình miền Bắc như Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Trong đợt đi tham gia đợt học tập, sản xuất ở Cao Bằng, bà tình cờ gặp Y Săm, hai người con Tây Nguyên xa nhà ấy đã trao tình yêu cho nhau, thành vợ thành chồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho đôi vợ chồng trẻ, tổ chức đã phân công bà về Trung đoàn 120 - nơi ông công tác làm nhiệm vụ chiến sỹ thông tin.

Năm 1976, cả hai xin nghỉ chế độ mất sức và trở về quê hương của bà ở buôn Bu Júk, xã Đắk Phơi sinh sống.

Đến nay, cả ba người con của ông bà đều đã phương trưởng.

Anh Y Sơn Buôn Krông - con trai trưởng hiện đang là Bí thư Chi bộ Buôn Bu Júk. Vâng theo lời bác dạy, ông bà sống cuộc sống giản dị, mẫu mực.

Cả hai đều là người già có uy tín, là tấm gương cho thế hệ trẻ không chỉ ở buôn Bu Júk mà ở cá buôn làng khác ở Đắk Phơi anh hùng cũng kính trọng./.

Việt Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục