Không kích trong Thế chiến II ảnh hưởng tới khí hậu

Các cuộc không kích trong Thế chiến II đã làm sản sinh lượng lớn vệt ngưng tụ trên bầu trời nước Anh, làm ảnh hưởng đến thời tiết.
Theo tạp chí Nhà khoa học mới của Anh, trong thời gian thế chiến thứ hai, các cuộc không kích do quân đồng minh thực hiện đã làm sản sinh lượng lớn vệt ngưng tụ (contrail) trên bầu trời phía Đông Nam nước Anh, làm ảnh hưởng đến thời tiết ở khu vực này.

Vệt ngưng tụ có thể gây nhiều ảnh hưởng tới khí hậu. Nó giống như một tấm thảm hút nhiệt lượng và không để nhiệt lượng thoát khỏi không gian. Vào ban ngày, vệt ngưng tụ sẽ phản xạ ánh sáng, giúp làm giảm nhiệt độ Trái Đất.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học xét về tổng thể vệt ngưng tụ sẽ khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên.

Các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu môi trường, Đại học Lancaster (Anh) đã tiến hành so sánh nhiệt độ khu vực phía dưới đường máy bay bay và khu vực ngược chiều không có vệt ngưng tụ bằng cách phân tích những ghi chép của lực lượng không quân lục quân Mỹ, lực lượng không quân Hoàng gia Anh và số liệu thời tiết thu thập được.

Theo nghiên cứu vào sáng sớm ngày 11/5/1944, thời tiết rất trong lành, nhiệt độ không khí không đủ điều kiện cho phép hình thành vệt ngưng tụ. Tuy nhiên, đúng ngày hôm đó, quân đồng minh đã thực hiện một đợt không kích đặc biệt và có thể đã hình thành các đám mây nhân tạo khi phi đội bay dàn đội hình để thực hiện không kích.

Lúc đó nhiệt độ ở khu vực phía dưới đường máy bay bay thấp hơn 0,8 độ C so với nhiệt độ nền ở khu vực theo hướng ngược lại.

Việc nghiên cứu các cuộc không kích được quân đồng minh thực hiện năm 1944 đã cung cấp nhiều chi tiết quan trọng giúp giới khoa học tìm hiểu ảnh hưởng của vệt ngưng tụ đối với mô hình khí hậu./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục