Thỏa lòng người Hà Nội trong ngày đầu Đại lễ

Từ sáng sớm đến giữa trưa quanh Hồ Hoàn Kiếm rực rỡ nắng vàng, dòng người tưng bừng, háo hức đổ về trảy hội trong ngày đầu tiên của Đại lễ.
Từ sáng sớm ngày 1/10, người dân Thủ đô và khách thăm Hà Nội đã háo hức đón chờ sự kiện lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Phần Lễ trang trọng, người dân háo hức trong trật tự

Trên dọc tuyến phố Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ (Hà Nội) nhiều người dân dồn tụ tìm chỗ gửi xe máy để vào khu vực Hồ Gươm.

Nhiều hộ dân ở gần có chút diện tích cũng tranh thủ giữ xe máy. Bảo vệ một số cửa hàng trong tuyến phố bắt đầu cấm xe cũng tranh thủ trông xe thêm. Có điều giá gửi một chiếc xe máy ở đây là 10-15.000 đồng tùy theo “hứng”.
 
Khác với nỗi lo khi có mấy hạt mưa lúc sớm, người người phấn khởi vì trời nắng đẹp nhưng lại có vẻ ban đầu chưa được như ý vì đành phải xem từ xa. Nhưng có điều rất đáng quý là dù rất đông nhưng dường như ai cũng có ý thức. Bởi vậy hàng nghìn người phấn khởi, trật tự đứng ngoài khu vực hàng rào để chứng kiến giây phút trọng đại của Thủ đô.

Trong phần Lễ, với trống hội, hợp xướng và múa hát đặc sắc đã làm cho tất cả những tấm lòng yêu Hà Nội đều ngân vang những khúc ca từ trong lòng và trên nét mặt.

Phóng viên Vietnam+ đã gặp các sinh viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội tham gia màn múa hát trong ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Các nữ sinh rạng ngời dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Nhìn các em, không ai có thể ngờ đây là những người phải dạy từ sáng sớm tinh mơ chuẩn bị cho màn múa hát của mình. Mỗi gương mặt đều rất tươi tắn và phấn khởi. Các em cho biết, dù tập nhiều và khá vất vả nhưng tất cả chúng em đều rất vui vì được tham dự vào Lễ khai mạc Đại lễ này.

Đại tá Ngô Chí Doanh, Đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội cho biết, sau khi kết thúc chương trình tại tượng đài Lý Thái Tổ, dàn quân nhạc sẽ di chuyển về phía sân khấu quảng trường Cách mạng tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long–Hà Nội. Dàn quân nhạc với sắc phục màu trắng, quân dung rạng ngời và tiếng kèn khỏe khoắn đã đem đến cho buổi khai mạc một ấn tượng không thể quên.

Rộn ràng vui Hội quanh Hồ Gươm

Sau phần Lễ của khai mạc đến phần "Hội" với sự tham gia của tất cả người dân. Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm rực rỡ nắng vàng và vui bước chân người. Bỏ lại từ các tuyến phố ngoài tiếng động cơ xe, tất cả tưng bừng tiếng nhạc, lời ca. Có thể nói người Hà Nội và du khách đến Hà Nội đã có một buổi sáng đầu tiên như mong đợi.

Thỏa lòng sau gần hai tiếng chờ đợi, phần Hội diễn ra tại năm sân khấu quanh khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Sân khấu 1 (tại vườn hoa Lý Thái Tổ) với chủ đề “Thăng Long-Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng.”

Sân khấu 2 (tại Đền Bà Kiệu) với chủ đề “Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô văn hiến.” Sân khấu 3 (tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) với chủ đề “Thăng Long-Hà Nội, thành phố vì hòa bình.” Sân khấu 4 (tại ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống) với chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển.”

Và người dân đi dự Đại lễ theo tuyến phố Hàng Bài đi lên sẽ gặp ngay không khí tưng bừng tại sân khấu 5 (ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài) với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước."

Được biết, tất cả các chương trình đều do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện, tổng đạo diễn là Nghệ sĩ ưu tú Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Thỏa lòng người Hà Nội

Chúng tôi gặp bà Phạm Thanh Áng, một người Hà Nội gốc, nhà bà ở phố Hàng Đào từ thời trước năm 1954. Bà Áng , vốn là vợ một liệt sĩ, xúc động: "Ngày nào đi qua đồng hồ đếm ngược tôi cũng đếm từng ngày, người dân phố cổ chúng tôi chờ Đại lễ lắm."

Bà Hồng, chủ quán ăn nổi tiếng “Nem tai Bà Hồng” trên phố Hàng Thùng (Hà Nội) tâm sự với phóng viên Vietnam+: “Chúng tôi chờ ngày lễ là chờ xem hội, chờ nhìn thấy mọi người cùng vui. Tôi không hề trông mong việc bán hàng dịp này sẽ đắt hàng hơn. Kiếm ăn bằng bán hàng là việc quanh năm mà. Đâu đến nỗi nhăm nhăm trông chờ Đại lễ để kiếm tiền. Người Hà Nội gốc chúng tôi như thế đấy!”- Bà Hồng nói thêm.

Cô giáo Ngô Lan Anh, giáo viên dạy văn trường Trung học phổ thông Trần Phú-Hoàn Kiếm chia sẻ: “Mặc dù là ngôi trường khá gần hồ Gươm, nhưng trong dịp Đại lễ trường tôi vẫn học đủ các ngày. Giáo viên nữ đi dạy sẽ mặc áo dài để góp thêm vẻ đẹp cho thành phố trong dịp trọng đại này.”

Cô Lan Anh cười nói thêm: "Chúng tôi động viên các con 'vui đại lễ, không quên việc học'. Ban đầu học sinh có vẻ không thoải mái lắm vì tưởng được nghỉ Đại lễ, nhưng bây giờ các con hiểu ra. Ban nãy tôi nghe các con hẹn nhau tối nay đi xem Lễ hội ở Hồ Gươm. Không có chỉ đạo nào nhưng tôi nghĩ giáo viên tâm lý một chút thì sẽ giao ít bài về nhà hơn trong mấy ngày, sau đó lại tăng cường."./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục