Lâm tặc đang lộng hành ở Khu bảo tồn Kim Hỷ

Nhiều gốc đinh, nghiến, trai hàng nghìn năm tuổi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn đã bị chặt hạ và xẻ bừa bãi.
Từ đầu năm đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn lúc nào cũng đặt trong tình trạng báo động, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Bắc Kạn đã vào rừng nghiến Kim Hỷ thuộc địa phận xã Ân Tình, huyện Na Rì và "ngỡ ngàng" trước sức tàn phá của lâm tặc.

Nhiều gốc đinh, nghiến, trai hàng nghìn năm tuổi đã bị chặt hạ và xẻ bừa bãi; điểm nóng là Côn Minh, Ân Tình và bắt đầu kéo sang “xẻ thịt” rừng Lương Thượng.

Vừa đặt chân tới thung lũng Phoắc Eng chúng tôi đã nghe tiếng cưa máy ầm ĩ cả một khoảnh rừng. Đi sâu vào các thung lũng, những gốc nghiến đường kính từ 60-80cm đổ ngổn ngang. Đến gần, chúng tôi chứng kiến tận mắt những cây nghiến to quá một người ôm bị lâm tặc dùng cưa máy chặt ngang chỉ trong giây lát. Một tốp người với đầy đủ cưa máy liên tục đốn hạ, hàng chục cây nghiến cổ thụ rào rào đổ xuống.

Người dân ở đây cho biết, lâm tặc vào phá Khu bảo tồn thiên nhiên có đủ thành phần và phương tiện, từ dân trong xã, các xã lân cận cho đến những vùng xa xôi như Thái Nguyên, Lạng Sơn. Gỗ nghiến nhiều lại đắt tiền nên đám lâm tặc mỗi ngày chặt hạ không biết bao nhiêu cây, đầu nậu từ các nơi về thu mua lúc nào cũng có tới hàng chục người.

Một chiếc thớt nghiến xẻ rộng 45cm, giá bán tại chân núi từ 130.000-150.000 đồng; công thuê vác từ trên núi xuống đến đường xe gắn máy là 50.000 đồng. Khi gỗ, thớt nghiến được chuyển ra đường, các đầu nậu tiếp tục gom lại khi nào đủ chuyến sẽ gọi đội xe gắn máy vào chở hàng đi theo hướng xã Lương Thành và Lạng San.

Lâm tặc vận chuyển gỗ thường vào chập tối hoặc lúc hai đến ba giờ sáng. Tại đoạn cuối Quốc lộ 279 tiếp giáp với xã Thiện Hòa huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn luôn có đầu nậu đợi hàng. Đèo Khau Khem, điểm giáp ranh giữa Bắc Kạn và Lạng Sơn, các đầu nậu ngang nhiên dựng lên hai cái lán để thu gom gỗ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trải dài qua bảy xã của hai huyện Bạch Thông và Na Rì, thì đã có bốn xã là Côn Minh, Ân Tình, Lương Thượng, Vũ Muộn trở thành điểm nóng về nạn phá rừng.

Ông Nông Văn Lanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết tình hình rất phức tạp. Lâm tặc hoạt động tinh vi, liều lĩnh, vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau. Lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng, cán bộ yếu về chuyên môn nghiệp vụ nên giải pháp để giữ rừng an toàn là rất khó.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rộng gần 25.000ha - nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú, được các nhà khoa học trong nước và thế giới đánh giá cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như voọc má trắng, sóc và khỉ, nhất là loài dơi (được coi là đa dạng thành phần cao nhất Việt Nam).

Ngoài ra, đây còn là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn với hàng vạn cây nghiến, thông núi./.

Vũ Thanh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục