Bao giờ hết khai quật cổ vật kiểu “chữa cháy”?

Hàng trăm nghìn cổ vật được tìm thấy cả dưới lòng sông, đáy biển đã phần nào cho thấy chứng tích của các hoạt động liên quan đến “lịch sử sông nước” Việt Nam; tầm quan trọng, vị trí chiến lược của Việt Nam trong những cuộc giao lưu thương mại quốc tế trên biển, trên sông… Dù thất thoát không ít bởi nạn săn lùng cổ vật, nhưng ẩn dưới mặt nước sông biển Việt Nam hiện còn nhiều cổ vật vô giá. Nhưng gần 20 năm qua, việc phát hiện và khai thác cổ vật dưới nước hầu hết do ngư dân và chuyên gia nước ngoài hợp tác khai quật.
Hàng trăm nghìn cổ vật được tìm thấy cả dưới lòng sông, đáy biển đã phần nào cho thấy chứng tích của các hoạt động liên quan đến “lịch sử sông nước” Việt Nam; tầm quan trọng, vị trí chiến lược của Việt Nam trong những cuộc giao lưu thương mại quốc tế trên biển, trên sông…

Dù thất thoát không ít bởi nạn săn lùng cổ vật, nhưng ẩn dưới mặt nước sông biển Việt Nam hiện còn nhiều cổ vật vô giá. Nhưng gần 20 năm qua, việc phát hiện và khai thác cổ vật dưới nước hầu hết do ngư dân và chuyên gia nước ngoài hợp tác khai quật.

Cổ vật bị "chảy máu"

Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20 ở Việt Nam, khảo cổ học dưới nước - một chuyên ngành mới của khảo cổ học đã được áp dụng để khai thác các di sản văn hóa trong lòng đại dương.

Năm 1990 - 1991, khai quật tàu cổ Hòn Cau tại Vũng Tàu và tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang); năm 1997 - 2000, khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm ngoài khơi vùng biển Quảng Nam; năm 1998 -1999, khai quật tàu cổ Cà Mau; năm 2001 - 2002, khai quật tàu cổ Bình Thuận.

Sự thành công của các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đó đã giúp hiểu rõ hơn "con đường gốm sứ" trên biển và phát hiện thêm nhiều giá trị mới của gốm sứ Việt thế kỷ XVI - XVII.

Trong 5 cuộc khai quật tàu cổ trên, chỉ có duy nhất cuộc khai quật tàu cổ Cà Mau hoàn toàn là do các chuyên gia và kỹ thuật viên Việt Nam thực hiện với kinh phí do Nhà nước cấp khoảng 13 tỷ đồng. Đây là cuộc khai quật duy nhất mà Việt Nam có quyền xử lý và định đoạt số phận của toàn bộ hiện vật.

Các cuộc khai quật còn lại, phía khảo cổ học Việt Nam được phân chia hiện vật rất ít, vì hầu hết kinh phí khai quật đều do đối tác bỏ vốn đầu tư. Điển hình như cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm (thu được tới 240.000 hiện vật là đồ gốm sứ Chu Đậu thế kỷ XV) ngoài 789 hiện vật độc bản, Việt Nam chỉ được nhận thêm 72.000 hiện vật (30% số hiện vật thu được). 168.000 hiện vật còn lại thuộc sở hữu của đối tác.

Những lớp cọc trên Bạch Đằng Giang được phát lộ đầu tiên từ năm 1953, khi người dân huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) tiến hành đào đất đắp đê. Bãi cọc thứ hai được phát hiện năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối (xã Nam Hòa, Yên Hưng)… tất cả đều là những chứng tích lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Trải qua thời gian, sông Bạch Đằng chuyển dòng, có chỗ đã bị bồi lấp, có chỗ cạn thành ao hồ, đầm ruộng… Trong quá trình làm ruộng, nuôi cá trên cánh đồng, những người dân đã chạm đến cọc và nhổ đi rất nhiều mang về làm nhà, đánh cây rơm… Nếu như không nhanh chóng quy hoạch tổng thể, khoanh vùng để gìn giữ thì những chứng tích lịch sử quan trọng ấy sẽ dần bị mất đi mà không thể lấy lại được.

Không chỉ là việc bị thất thoát những cổ vật có giá trị, sự vắng mặt của chuyên ngành khảo cổ học dưới nước tại nhiều cuộc khai quật đã dẫn đến tình trạng chất lượng khai quật bị ảnh hưởng. Vụ trục vớt tàu cổ ở Khoái Châu (Hưng Yên) vừa qua là một ví dụ.

Là minh chứng cho hoạt động giao thương tấp nập của vùng phố Hiến xưa, nhưng con tàu cổ Hưng Yên được một người chuyên mò sắt bán phế liệu tìm thấy và vớt lên. Do không có kinh nghiệm, trong quá trình trục vớt tàu đã bị gãy làm đôi.

Và trong khi chờ những quyết định của các cơ quan liên quan, con tàu nằm dầm mưa dãi nắng ở bên bờ sông xã Đại Tập (Khoái Châu) gần 2 tháng mà không hề được bảo quản. Đến khi có quyết định chuyển con tàu về bảo tàng Hưng Yên, việc vận chuyển được giao cho Công ty Vận tải Mạnh Kiên thực hiện. Và để thuận tiện, công ty này đã cưa đôi mảnh đuôi tàu để đưa tàu qua cửa đê… cho dễ.

Khảo cổ dưới nước Việt Nam tụt hậu

Trong khi ngay từ đầu thế kỷ, Thái Lan đã cơ bản lập được bản đồ khảo cổ vịnh Thái Lan, thì khảo cổ dưới nước vẫn còn là khái niệm xa lạ với ngành khảo cổ Việt Nam.

Vì ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam chưa phát triển, nên các cuộc khai quật tàu cổ thường được tiến hành trong tình thế "chữa cháy".

100% tàu cổ được phát hiện thời gian qua đều là nhờ ngư dân. Các cuộc khai quật cũng chỉ được tiến hành sau khi các ngư dân đã dùng chài lưới cào quét chán chê và hàng ngàn cổ vật bị thất thoát. Không những thế, khi người dân lấy cổ vật, hiện trường bị xáo trộn, gây khó khăn trong việc xác định nghiên cứu cấu trúc, xuất xứ, nguồn gốc cũng như quản lý các tàu cổ đã chìm.

Cũng vì không có phương tiện, kinh phí và đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước nên Việt Nam chưa hề có một cuộc thăm dò sơ bộ, xác định có bao nhiêu con tàu cổ đắm ngoài khơi, đắm ở tọa độ nào để vẽ bản đồ khảo cổ và có kế hoạch gìn giữ.

Đành rằng, việc lên được một bản đồ khảo cổ dưới nước là điều không dễ dàng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, khó có thể hoạch định được việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau trên một diện tích ẩn chứa di sản nếu thiếu quy hoạch. Việc bảo vệ nghiêm ngặt những điểm có tàu cổ, tránh sự phá hủy của những kẻ chuyên săn mò cổ vật dưới nước cũng chỉ được làm tốt khi xác định được mục tiêu.

Trong khi chưa có kế hoạch dài hơi, ngành khảo cổ trước mắt cần đào tạo đội ngũ các nhà khảo cổ, chuyên gia đủ năng lực và trình độ khảo sát về cổ vật dưới nước, cũng như vẽ được bản đồ các di tích khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, từ đó chủ động xử lý và phát huy giá trị các kho báu ở biển Việt Nam./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục