Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt khủng hoảng

Chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc sẽ đối mặt khủng hoảng kinh tế trong 20 năm tới nếu chính phủ không cải cách mô hình phát triển hiện nay.
Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng kinh tế trong vòng 20 năm tới nếu chính phủ không nhanh chóng cải cách mô hình phát triển kinh tế hiện nay.

Đây là cảnh báo nằm trong báo cáo của nhóm chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Chính phủ Trung Quốc phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 27/2.

WB lưu ý rằng, trong 10 năm qua, cổ phần nhà nước trong nền kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, chính điều này đã kiềm chế sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do sự quản lý quan liêu của các doanh nghiệp nhà nước không mang lại hiệu quả. Kết quả là các vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra trong ngành ngân hàng Trung Quốc và các lĩnh vực khác.

Các chuyên gia WB cảnh báo rằng, nếu tính đến vị trí của Trung Quốc trong kinh tế thế giới thì những bất ổn ở đất nước này có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo báo cáo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt và cần nhanh chóng tiến hành cải cách sâu, như giảm số cổ phẩn của nhà nước trong các tập đoàn kinh tế, bãi bỏ thế độc quyền trong các ngành kinh tế chiến lược và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận với các nguồn vốn.

Bản báo cáo với tựa đề “Trung Quốc năm 2030” dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm một nửa trong vòng hai thập kỷ tới.

Chủ tịch WB Robert Zoellick cho rằng, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 10% trong 30 năm qua, mô hình kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc đã không còn bền vững. Ông Zoellick cũng cho rằng, báo cáo sẽ vấp phải sự phản đối từ những người đang được hưởng lợi nhờ mô hình kinh tế hiện nay.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thường xuyên nói về việc cần thiết cải cách mô hình kinh tế, tuy nhiên phần lớn đề cập đến việc giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng tiêu thụ nội địa.

Việc Bắc Kinh tiếp tục hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số ngành kinh tế như ôtô, năng lượng, tài chính, ngân hàng và viễn thông đang vấp phải sự chỉ trích từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Bên cạnh đó, các công ty tư nhân trong nước cũng thường than phiền về tình trạng thiếu tính cạnh tranh và họ không thể tiếp cận các nguồn tài chính của các ngân hàng thương mại.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là động cơ duy nhất của cơ chế kinh tế toàn cầu. Nếu động cơ này bị "quá tải" và “cháy,” thế giới sẽ đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhật Bản và châu Âu đã phải đối mặt với suy thoái, còn sự phục hồi ở Mỹ là quá yếu.

Theo kế hoạch, ngày 5/3 tới, Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ công bố giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến trong 5 năm tới.

Chính phủ đưa ra cam kết mức tăng GDP sẽ vào khoảng 7,5%/năm. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều thống nhất rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2016 sẽ giảm xuống còn 6,6%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục