Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

10 năm qua, cả nước sắp xếp được trên 4.750 doanh nghiệp, trong  đó có 14 tổng công ty, với gần 3.390 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục trong 20 năm qua, nhất là 10 năm gần đây.

Sắp xếp được trên 4.750 doanh nghiệp

10 năm qua, cả nước sắp xếp được trên 4.750 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa gần 3.390 doanh nghiệp; nếu tính cả thời gian trước đó là trên 5.370 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa gần 3.980 doanh nghiệp. Trong số này có 14 tổng công ty được sắp xếp theo các hình thức: giải thể cơ quan văn phòng, sáp nhập, hợp nhất, chia tách.

Cả nước đã tổ chức lại 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Cũng trong 10 năm qua, 128 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được thành lập, chủ yếu là chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị hạch toán phụ thuộc thành doanh nghiệp và trên cơ sở Ban quản lý các dự án đã đầu tư.

Đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng tham gia hoạt động công ích, 857 doanh nghiệp kinh doanh; tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có cơ cấu đa sở hữu; chủ yếu hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý.

Hiện nay cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các công ty nhà nước được tổ chức lại, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con là bước đổi mới mối quan hệ giữa công ty mẹ-tổng công ty với các doanh nghiệp trong tổng công ty. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước được nâng lên; cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh; là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật với trình độ tay nghề cao; góp phần quan trọng xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các dự án trọng điểm của Nhà nước phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dài hạn của đất nước, những dự án lớn hoặc có ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không đủ khả năng làm.

Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng bước được kiện toàn và gắn với tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Năng lực, trình độ của nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật được nâng lên, chuyên nghiệp hơn. Các quy định pháp luật về quản lý trong doanh nghiệp đã tạo cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp chủ động, tự chịu trách nhiệm về tổ chức sản xuất kinh doanh và kết quả lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã triển khai quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng chuẩn. Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước được đổi mới phù hợp hơn với điều kiện doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường; tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước đóng góp thiết thực vào hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, nâng cao thu nhập cho người lao động.  

Khắc phục những hạn chế  

Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, Hội nghị cũng thẳng thắn nêu liên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước như, một  số cơ chế, chính sách ban hành thường chậm; chưa kịp thời giải đáp, tháo gỡ được yêu cầu của thực tiến. Còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuần túy mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn.

Một số tập đoàn, tổng công ty trong các năm 2007, 2008 đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Quản lý đất trong các lâm trường còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp nhà nước vẫn ở mức thấp. Chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích. Hiệu quả kinh tế-xã hội của doanh nghiệp nhà nước chưa được đánh giá đầy đủ. Còn khá nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Sự lãng phí, thất thoát nguồn lực còn lớn, nhất là trong các ngành khai thách, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, nhập khẩu thiết bị, vật tư. Tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước tuy đã rõ hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng và kém hiệu quả…

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên được Hội nghị phân tích là một số bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức và sâu sát trong chỉ đạo thực hiện. Chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó là các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp chưa đủ rõ. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém. Sự phối hợp công tác giữa bộ phận chuyên trách về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quản doanh nghiệp nhà nước với các bộ phận chuyên môn có liên quan chưa chặt chẽ và có hiệu quả, nhất là trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, đổi mới.  

Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước  

Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị xác định rõ việc phân loại và thực hiện cơ cấu lại trên 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có đến năm 2015 theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất. Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp.

Tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… trên cơ sở xác định rõ nhiệm  vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Các doanh nghiệp nhà nước tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phải thực hiện hạch toán kinh doanh, khi đánh giá kết quả hoạt động phải làm rõ hiệu quả của phần hoạt động kinh doanh; phần thực hiện nhiệm vụ công ích thông qua đấu thầu, giao kế hoạch, đặt hàng của cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định của hợp đồng và pháp luật. Tạo chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu công ty nông, lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh).

Hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế chính sách để doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường; hoàn thiện thể chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước… Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng trong doanh nghiệp nhà nước ở 5 nội dung là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội và đẩy mạnh quy chế phối hợp.

Hàng loạt các giải pháp thực hiện cũng được đề ra trong đó có việc tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2011 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và chỉ đạo thực hiện quyết liệt; tập trung hoàn thiện khung khổ pháp luật và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo đúng các phương án đã được phê duyệt; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước;…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe các báo cáo về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý tồn tại về tài chính trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; về thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư, quản lý tiền lương và thực hiện thí điểm thuê Tổng giám đốc, giám đốc trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; vai trò của tổ chức công đoàn trong việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…

Chiều nay, sau khi Hội nghị nghe các báo cáo tham luận của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng, địa phương… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu kết luận hội nghị./.
 
Thiện Thuật (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục