“Quản trị tốt còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam”

“Thật thà thì thua thiệt," triết lý này được nhiều doanh nghiệp áp dụng và cũng là nhân tố cản trở hiệu quả trong quản trị công ty.
“Quản trị doanh nghiệp tốt còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Văn hóa ngại minh bạch dẫn đến tâm lý che đậy, không muốn chia sẻ ra bên ngoài xuất phát từ thực tế công khai thông tin chưa thu được lợi ích gì mà thậm chí lại còn gặp rủi ro” - đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị” do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.

Quyền lực "ba trong một"

Theo thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên kiêm điều hành và các thành viên không điều hành, trong đó tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên không điều hành.

Theo bà Anne Molyneux-chuyên gia tư vấn đến từ IFC, chức năng của thành viên Hội đồng quản trị độc lập là tạo ra sự đối trọng với các cổ đông lớn trong Hội đồng quản trị đồng thời mang đến một góc nhìn từ bên ngoài về chiến lược, kiểm soát và khách quan trong việc "lắng nghe" những ý kiến của ban lãnh đạo công ty...

Tuy nhiên, trên thực tế để tìm kiếm thành viên Hội đồng quản trị độc lập để đảm bảo cho những yêu cầu đặt ra lại không dễ dàng.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, tính độc lập lại phụ thuộc vào tư duy, đạo đức và hành xử độc lập mỗi cá nhân. Theo vị chuyên gia này, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để kiểm soát được tính độc lập là rất khó, bởi cổ đông nhỏ thường “bị đẩy ra rìa”, quyền lực tập trung vào cổ đông lớn theo hình thức "ba trong một," nghĩa là cổ đông lớn vừa tự bầu mình vào Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.

“Ban kiểm soát lại do nhóm cổ đông lớn chỉ định và thường là cấp dưới nên không thể hiện được tính độc lập, mang tính hình thức mà thôi. Địa vị của các Ban kiểm soát luôn bị xem nhẹ và phần lớn là không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều nơi, kiểm soát viên trở thành người ‘đóng dấu’ cho Hội đồng cổ đông trong các trường hợp cần thiết ” ông Cung nói.

Theo ý kiến của các chuyên gia, một doanh nghiệp quản trị tốt là phải công khai, minh bạch, thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình đồng thời chuyên nghiệp và độc lập.

Song nhiều thập kỷ nay, môi trường kinh doanh bên ngoài xã hội lại chưa ủng hộ và khuyến khích công khai minh bạch, theo đó doanh nghiệp cũng chưa nhận thấy những lợi ích cũng như chưa có sự đảm bảo công bằng từ sự minh bạch.

“Thật thà thì thua thiệt, đó là triết lý được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng chính là nhân tố cản trở hiệu quả trong quản trị công ty tại Việt Nam,” ông Cung nhấn mạnh.

Cần cơ chế đánh giá và giám sát

Theo các chuyên gia, những sự kiện bê bối gần đây xảy ra ở Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn Vinalines hay những sai phạm của ông Nguyễn Đức Kiên và các cộng sự trong lĩnh vực ngân là những biểu hiện thất bại về quản trị công ty, tạo ra sự méo mó về phân bổ nguồn lực và làm đảo lộn hệ thống giá trị trong xã hội.

Ông Warapatr Todhannakasem, chuyên gia kinh tế đến từ Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cho biết, quốc gia này đã phải trả một bài học đắt giá về sự lỏng lẻo trong quản trị công ty bằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

“Một thời gian dài, tại các cuộc họp Hội đồng quản trị định kỳ hàng năm, đầu giờ các thành viên tham dự tiệc trà và trao đổi các câu chuyện xã hội, sau đó nghe Ban điều hành báo cáo khoảng 30 phút. Cuối cùng, kết thúc là cuộc trao đổi là những bữa tiệc ngoài nhà hàng và các thành viên ra về thì được nhận cổ phiếu thưởng… cuộc sống vương giả đó giờ đây đã không còn,” Ông Warapatr nói.

Thế nhưng, từ sau năm 1997 Thái Lan đã xây dựng nhiều đạo luật hà khắc và chặt chẽ với những biện pháp trừng phạt và yêu cầu trách nhiệm từ các Hội đồng quản trị. Ban kiểm toán và Ban lương thưởng được lập ra, với các thành viên là những người được tuyển dụng độc lập. Nhờ đó, tình hình quản trị của các doanh nghiệp đã được cải thiện.

Từ ví dụ cụ thể trên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã lớn lên về lượng thì sẽ phải thay đổi về chất, nếu không sẽ không thể cạnh tranh và phát triển được. "Đã đến lúc phải thay đổi, thiết lập một nền móng vững chắc cho quản trị công ty theo thông lệ và trước hết phải xuất phát từ hệ thống doanh nghiệp nhà nước," một chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, hệ thống luật của Việt Nam hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt các công ty đại chúng không thực hiện quy định về cơ cấu thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, cũng như các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy Ban kiểm soát thực hiện đúng chức năng và nghĩa vụ của nó.

Vì vậy, ông David Robinett-chuyên gia cao cấp về quản trị doanh nghiệp tại Ngân hàng Thế giới cho rằng, để có một cơ chế quản trị hiệu quả thì song hành với nó phải là việc đánh giá Hội đồng quản trị. Hiện nay trên thế giới áp dụng các loại hình đánh giá bao gồm, tự đánh giá, đánh giá có sự trợ giúp của chuyên gia, đánh giá chung Hội đồng quản trị và đánh giá từng thành viên Hội đồng quản trị.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho biết, tới đây khi đề xuất Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cơ quan này dự kiến cũng sẽ trình về việc tăng tính chuyên trách, tăng thể chế nhằm đảm bảo vai trò của Hội đồng quản trị.

"Với sự lu mờ của Ban kiểm soát như hiện nay, tới đây nếu Hội đồng quản trị đã có thành viên độc lập thì không cần duy trì Ban kiểm soát nữa và tổ chức nó trở thành cấp dưới của Hội đồng quản trị, như vậy sẽ tăng cường vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập và thành viên Hội đồng quản trị không điều hành,” ông Cung nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục