Bóng ma đại suy thoái chưa buông tha châu Âu?

Trước việc chính phủ các nước đang cắt giảm chi tiêu để kiểm soát những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, Tổng thư ký Tổng liên đoàn lao động châu Âu (EUTC) John Monks cho rằng có thể châu Âu đang trở lại thời kỳ Đại suy thoái. Ông Monks cảnh báo những biện pháp khắc khổ mà nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện sẽ đưa châu lục này trở lại những năm 30 của thế kỷ 20.
Trước việc chính phủ các nước đang cắt giảm chi tiêu để kiểm soát những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, Tổng thư ký Tổng liên đoàn lao động châu Âu (EUTC) John Monks cho rằng có thể châu Âu đang trở lại thời kỳ Đại suy thoái.

Ông Monks cảnh báo những biện pháp khắc khổ mà nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện sẽ đưa châu lục này trở lại những năm 30 của thế kỷ 20.

Đó cũng là điều mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso lo ngại, nhưng với một lý do hoàn toàn khác. Ông Monks nói rằng điều cực kỳ nguy hiểm là châu Âu đang trong tình thế giống như năm 1931 và đứng trước ngưỡng cửa cuộc Đại suy thoái. Mặc dù vẫn chưa xảy ra, nhưng đây là một nguy cơ rất thực tế, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị.

Ông Barroso cũng cho rằng các biện pháp khắc khổ sẽ giúp châu Âu không quay lại những ngày đen tối nhất của thế kỷ trước.

Trong cuộc thảo luận mới đây với ông Monks về cách thức hỗ trợ Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng như các nước khác trong EU, ông Barroso cho rằng nếu không tiến hành các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như vậy, các nước này có thể gần như “biến mất.” Họ không có sự lựa chọn nào khác.

Ông Barro đã gây sốc với nhận định đáng buồn về sự sụp đổ của châu Âu bắt nguồn từ các nước đang mắc nợ công.

Trong những tuần gần đây, một làn sóng các biện pháp cực kỳ khắc khổ đã quét qua châu Âu. Các nền kinh tế có vấn đề nhất đang phải cắt giảm mạnh chi tiêu để nhận được các khoản cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tây Ban Nha đã thông báo gói các biện pháp khắc khổ trị giá 13 tỷ euro. Trong khi đó, Hy Lạp muốn cắt giảm chi tiêu 24 tỷ euro, bằng mục tiêu của Italy. Đức cũng thông báo sẽ tiết kiệm 80 tỷ euro.

Còn Chính phủ mới của Anh nói sẽ cắt giảm 7,51 tỷ euro, mặc dù dựa trên những tuyên bố chính thức trước đó của Đảng bảo thủ, các nhà kinh tế nhận định con số mà nước này đưa ra có thể lên tới 72 tỷ euro. Mục tiêu của Pháp là 45 tỷ euro.

Liên minh cầm quyền Hà Lan cũng muốn cắt giảm chi tiêu 45 tỷ euro. Trong khi đó, Iceland năm ngoái đã thông báo về các biện pháp trị giá bốn tỷ euro. Còn Bồ Đào Nha muốn cắt giảm hai tỷ euro, trong đó bao gồm khoản thu được từ việc tư nhân hóa 17 doanh nghiệp nhà nước.

Đảng cánh hữu mới của Hungary cũng đặt mục tiêu giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước 120 tỷ forint. Với các biện pháp khắc khổ nhất ở châu Âu, Romania có kế hoạch cắt giảm 25% lương trong toàn bộ lĩnh vực công và 15% lương hưu - những biện pháp quyết liệt nhất của nước này kể từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội châu Âu tan vỡ.

Ở khu vực Baltic, việc cắt giảm chi tiêu 10% GDP đã khiến kinh tế Estonia suy giảm 14% và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 11% lên 19,8%, trong khi những biện pháp tương tự cũng khiến kinh tế Latvia suy giảm 18% và tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 22%.

Các liên đoàn lao động, đã lãnh đạo các cuộc biểu tình và đình công chung ở nhiều nước, đang làm gia tăng sự công kích của họ đối với các biện pháp khắc khổ, bất chấp những mối lo âu về tương lai của EU và lần đầu tiên bắt đầu có sự phối hợp hành động giữa các nước thành viên.

Ông Minks cho rằng những chỉ trích của báo chí Đức và các nước khác đối với người lao động và lĩnh vực công của Hy Lạp là không công bằng.

Ông nói: “Việc truyền thông mô tả dân Hy Lạp như họ là những người lười biếng và tiêu xài hoang phí không hẳn là đúng. Có thể có những thỏa thuận về việc trả lương hưu có lợi cho người lao động, song điều này không đúng với tất cả mọi người và cũng như được áp dụng với lĩnh vực công. Vấn đề đang có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Hy Lạp hiện nay là hành vi trốn thuế của những người giàu ở nước này."

Ông Minks thừa nhận rằng việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết đối với quốc gia Địa Trung Hải cũng như những nước khác khi họ rất muốn nhận được các khoản vay từ IMF và EU.

Hiện không chỉ các nền kinh tế nhỏ mà các nền kinh tế lớn cũng đều đang lo trả nợ. Thậm chí, với cả các nền kinh tế lớn như Hà Lan và Đức, mục tiêu đưa ngân sách trở lại cân bằng vào năm 2016 nhờ các biện pháp khắc khổ mà họ đang thực hiện cũng là một sự liều lĩnh.

Ông nêu tên Pháp như một quốc gia chưa bị cuốn vào cơn bão cắt giảm chi tiêu trên khắp châu Âu, song cho rằng sự “đầu hàng” của Paris chỉ là chuyện sớm hay muộn. Và quả thực, nước này sau đó cũng đã phải thông báo các biện pháp khắc khổ trị giá 45 tỷ euro.

Với trường hợp Hy Lạp, ông Monks nói nếu nước này tiếp tục đáp ứng một cách tốt nhất những điều kiện để nhận các khoản vay từ IMF và EU, hai nhà cho vay này có thể đồng ý tái cơ cấu các khoản vay, sắp xếp lại việc thanh toán - điều sẽ có lợi cho các doanh nghiệp tư nhân?./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục