Đào cổ thụ Sa Pa biến mất

Các thung lũng đào cổ thụ ở Sa Pa đang biến mất

Những thung lũng đào cổ thụ nổi tiếng ở Sa Pa đang dần biến mất do nạn chặt cành, thậm chí đào tận gốc đem bán mỗi dịp Xuân về.
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã chuyển từ trồng đào lấy quả sang chặt cành, đào gốc để bán cho các tay chơi ở thành phố để kiếm lời.

Nhiều gia đình miền núi chỉ cần bán được một vài cây đào là đã sắm được cái tết tươm tất. Trong khi với người miền xuôi, có được những cành đào đẹp trong dịp Tết là thú vui không thể thiếu mỗi độ Xuân về.

Dù còn cách Tết Canh Dần hơn một tháng nhưng đã có nhiều người lên các bản vùng cao Lào Cai tìm mua cây đào về trang trí.

Khách là những chủ xe tải chạy đường dài kết hợp chuyến xuôi ít hàng để chở những gốc đào về bán cho các tay chơi ở thành phố.

Các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Ô Quy Hồ... vốn có những thung lũng đào cổ thụ rất lớn và nổi tiếng nhưng đến nay không còn lại bao nhiêu. Thậm chí có gốc đào hàng trăm năm tuổi cũng bị đào tận gốc rồi đem bán.

Những thân cây xù xì, thế tự nhiên, kỳ dị được thiên nhiên tạo dáng qua hàng chục năm khi về tới Thủ đô sẽ trở thành món hàng rất có giá trị.

Ông Phan Bá Đường ở thị trấn Sa Pa cho biết trước đây có hàng trăm hộ trồng đào, với mục đích lấy quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, do không được cải tạo giống, quả đào nhỏ dần, tiêu thụ rất khó.

Trong khi đó, việc bán cành đào hoặc cả cây đào cho những người chơi hoa ở các thành phố lại thu lợi lớn.

Nhà ông Đường có vài chục gốc đào, dự đoán mỗi cành đào nhỏ nhất cũng có giá từ 100.000 đồng trở lên. Theo ông Đường, những cành đào thế và những gốc đào cổ thụ giá bán có thể lên tới 5-7 triệu đồng mỗi cây, thu lợi gấp chục lần bán quả.

Tuy nhiên, việc chặt đào bán cành làm cho Sa Pa mất đi những vườn đào nở đầy hoa, vốn làm nên những nét rất riêng của vùng đất du lịch này.

Điều đáng ngạc nhiên là việc mua bán, vận chuyển cành đào về xuôi không gặp bất cứ sự kiểm soát nào của chính quyền địa phương và ngành chức năng bởi lý lẽ "đào rừng không phải là loại gỗ quý hiếm" và "đào mọc ở vườn nhà không để ăn quả thì có quyền chặt bán".

Chính quyền và ngành chức năng dẫu có can thiệp cũng chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo nông dân bảo tồn những cây đào cổ thụ, nhất là những vùng có tính tập trung và khu du lịch, chỉ chặt tỉa những cây cho chất lượng quả thấp, trồng phân tán./.

Lục Văn Toán (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục