Châu Á hài lòng với thành tích tại World Cup 2010

Các cổ động viên bóng đá châu Á nhìn chung khá hài lòng với những gì mà 4 đại diện của họ đã thể hiện tại World Cup 2010 tại Nam Phi.
Mặc dù World Cup đã kết thúc với các đội tuyển đến từ châu Á nhưng châu lục đông dân nhất thế giới này nhìn chung khá hài lòng với những gì mà 4 đại diện của họ đã thể hiện tại giải đấu đang diễn ra tại Nam Phi.

Châu Á có 4 đội bóng tham dự World Cup 2010 và 2 trong số này là Hàn Quốc và Nhật Bản đã vượt qua vòng đấu bảng lần đầu tiên tại một kỳ World Cup diễn ra không ở nước họ. Với hai đội bóng này và với châu Á nói chung, đó là một nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc, đặc biệt sau kết quả thất vọng ở kỳ World Cup 2006 khi cả 4 đội bóng châu Á đều không thể đi tiếp sau vòng đấu bảng.

Mọi sự dường như diễn ra đúng như kỳ vọng của Phó Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nhật Bản, đồng thời là thành viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), ông Junji Ogura khi ông từng dự đoán trước khi World Cup 2010 khai cuộc rằng ít nhất sẽ có hai đội của châu Á lọt vào vòng trong.

Việc Nhật Bản và Hàn Quốc lọt vào vòng hai đã mang lại cho bóng đá châu Á một sự tôn trọng trên toàn thế giới, và thậm chí hai đội này đã có thể đi xa hơn nữa. Các cầu thủ Nhật Bản đã có một trận cầu ngang ngửa với đại diện Nam Mỹ Paraguay và họ chỉ chịu thua ở loạt đá luân lưu sau khi kết thúc cả hiệp chính và hiệp phụ với tỉ số 0-0. Trong khi đó, Hàn Quốc đã có những cơ hội để đánh bại Uruguay trước khi chịu chấp nhận thua cuộc với tỉ số 1-2.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP, huấn luyện viên Philippe Troussier từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản tại World Cup 2002 nói: "Cả hai đội đã chứng tỏ với thế giới rằng châu Á đang từng bước cải thiện. Cả hai đã thi đấu rất tốt, đặc biệt là với các cú đá tự do. Một nửa số bàn thắng của Nhật Bản và 3 bàn thắng của Hàn Quốc là từ các cú đá tự do. Về mặt này, châu Á đang dẫn đầu thế giới tại World Cup."

Trong bảy kỳ World Cup trước đó, Hàn Quốc mới chỉ vượt qua vòng đấu bảng một lần và đi tới tận bán kết khi giải đấu được tổ chức tại nước này và Nhật Bản năm 2002. Giờ đây, đội trưởng đội tuyển Hàn Quốc Park Ji-sung tin rằng thành tích của các đội bóng châu Á đã cho thấy tiềm năng của châu lục này.

Tiền vệ đang thi đấu cho câu lạc bộ giải Ngoại hạng Anh, Manchester United nói: "Bóng đá châu Á đang ngày càng tiến bộ. Chúng tôi phải chứng tỏ với thế giới rằng các đội bóng châu Á không phải là những đội bóng yếu."

Nhật Bản đến Nam Phi trong sự thiếu kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá xứ hoa anh đào sau một loạt kết quả thi đấu nghèo nàn ở các trận giao hữu, nhưng chiến thắng trước Cameroon ngay trong trận ra quân đã làm im bặt mọi lời chỉ trích, và tiếp đó chiến thắng 3-1 trước Đan Mạch đã khiến Nhật Bản được cả các phương tiện thông tin đại chúng trong nước lẫn quốc tế ca ngợi.

Huấn luyện viên kỳ cựu của câu lạc bộ Arsenal, Arsene Wenger nhận xét: "Đội tuyển Nhật Bản năm nay dựa trên một hàng phòng thủ tập thể và vững chắc mà ở đó mọi người đều biết mình phải làm gì. Mỗi khi họ có bóng họ chuyền cho Honda và sự thần kỳ bắt đầu. Khi họ có được Honda ở tuyến trên, anh ấy ngay lập tức chứng tỏ đẳng cấp của mình."

Trong hai đại diện còn lại của châu Á, Australia đã không thể đi tiếp do thấp hơn về hiệu số bàn thua trong khi Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên gây thất vọng sau khi đã có trận ra quân đá khá nghiêng ngửa trước đội bóng từng 5 lần vô địch thế giới Brazil. Tiền vệ An Yong Hak của Triều Tiên nói: "Chúng tôi bước vào giải đấu này với nhận thức rõ ràng rằng có sự khác biệt rất lớn về trình độ thi đấu. Mặc dù vậy được thi đấu trên cùng sân với những đội bóng lớn và tranh chấp bóng với họ là một trải nghiệm tốt, rất tốt"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục