Cựu Thủ tướng Berlusconi tỏ dấu hiệu tái tranh cử

Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã tỏ dấu hiệu mạnh mẽ rằng sẽ ra tranh cử trở lại trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ngày 5/12 đã tỏ dấu hiệu mạnh mẽ rằng sẽ ra tranh cử trở lại trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, với việc tuyên bố sẽ không để Italy tiếp tục rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế đồng thời nói rằng ông đang “bị bao vây bởi những yêu cầu” đòi ông phải ra tranh cử.

Mặc dù cựu Thủ tướng Berlusconi trong vài tháng qua đã nhiều lần thay đổi ý định liên quan đến việc liệu ông có ra tranh cử vào mùa Xuân năm tới hay không, nhưng những chỉ trích của ông đối với cách giải quyết nền kinh tế của Thủ tướng kỹ trị Mario Monti là đặc biệt gay gắt và được đưa ra vào thời điểm tổng tuyển cử đang đến gần.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với các lãnh đạo đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của mình ngày 5/12, ông Berlusconi nhấn mạnh tình hình hiện nay là tồi tệ hơn nhiều so với cách đây một năm, thời điểm ông phải từ chức thủ tướng “vì tinh thần trách nhiệm và vì tình yêu đối với đất nước.”

Theo ông Berlusconi, “nền kinh tế Italy hiện đang bị kiệt quệ, thêm 1 triệu người nữa bị thất nghiệp, sức mua bị sụp đổ và áp lực về thuế đang gia tăng đến những mức không thể chấp nhận được.”

Ông Berlusconi tuyên bố sẽ không để Italy rơi vào một cuộc suy thoái theo hình xoáy trôn ốc không có điểm dừng. Những phát biểu này của cựu Thủ tướng Berlusconi được đưa ra sau khi ông giải thích rằng ông đang bị “bao vây bởi các yêu cầu” ở trong đảng đòi ông phải sớm tuyên bố tham gia trở lại chính trường để dẫn dắt PDL.

Hồi năm 2011, ông Berlusconi đã buộc phải từ chức thủ tướng do vụ bê bối tình dục liên quan đến một gái mại dâm vị thành niên, trong bối cảnh Italy đang trong nguy cơ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công theo kiểu Hy Lạp.

Tổng thống Italy Giorgio Napolitano khi đó đã đề nghị cựu Uỷ viên Liên minh châu Âu, ông Monti thành lập một chính phủ kỹ trị với sự ủng hộ của một liên minh gồm cả hai phái tả và hữu, trong đó có đảng PDL.

Ông Monti sau khi lên nắm quyền đã áp dụng nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm kiểm soát nợ công. Nhưng biện pháp tăng thuế của ông đã ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng và làm sâu sắc thêm tình trạng suy thoái kinh tế của Italy, vốn đã diễn ra kể từ nửa sau của năm 2011.

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng euro (Eurozone) này đang vật lộn với nhiều khó khăn, ông Monti đã xoa dịu được các thị trường tài chính, và hiện chênh lệch lợi suất trái phiếu cơ bản giữa Italy và Đức đã hạ thấp xuống chỉ còn khoảng một nửa so với mức khi ông lên nhậm chức.

Ông Monti, vốn cũng là một Thượng nghị sỹ trọn đời, nói rằng ông sẽ không ra tranh cử vào năm tới, nhưng sẵn sàng nắm quyền thêm một lần nữa nếu kết quả tổng tuyển cử sắp tới cho thấy không có bên nào giành thắng lợi áp đảo rõ ràng.

Trong những tháng gần đây, sự do dự của cựu Thủ tướng Berlusconi trong việc có tuyên bố ra tranh cử hay không đã khiến đảng PDL lâm vào bối rối, khiến đảng này vẫn chưa thể tổ chức được đại hội để bầu chọn ứng cử viên thủ tướng. Trong khi đó, phe trung tả đã lựa chọn lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) Pier Luigi Bersani làm ứng cử viên thủ tướng cho họ trong cuộc bầu chọn hôm 2/12.

Cuộc thăm dò dư luận của Công ty EMG được công bố hôm 4/12 cho thấy sự công khai, rõ ràng của đảng PD trong việc bầu chọn ứng cử viên thủ tướng đã giúp đảng này giành được tỷ lệ ủng hộ ở mức cao nhất trong gần 2 năm qua.

Theo cuộc thăm dò này, nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào thời điểm hiện nay, đảng PD sẽ giành được 34,6% số phiếu bầu so với mức 15,2% dành cho đảng PDL của ông Berlusconi./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục