Hài "ngoại hình" lấn át hài "tình huống"

Để chiều lòng khán giả nhiều nghệ sĩ đã thay đổi kiểu diễn của mình, nhưng cuối cùng lại không thể khiến khán giả cười nổi.
Vào thời điểm này, khi sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhộn nhịp thì sân khấu nói chung, sân khấu hài nói riêng của Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong tình trạng thường xuyên tối đèn.

Khi khán giả quay lưng với sân khấu hài

Trong khi Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ đang đi theo hướng mới, chuyển một số tiểu phẩm hài từ Đời cười sang tiếng Anh, phục vụ du khách nước ngoài, các trung tâm văn hóa nước ngoài, các đại sứ quán... thì từng danh hài (nổi tiếng đặc biệt sau chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV) đành tự lực cánh sinh, mỗi người một ngả tìm con đường sống cho mình.

Người diễn hài miễn phí cho trẻ em và người nghèo như Minh Vượng, Minh Hòa; người tranh thủ đi show ở miền Trung hay thi thoảng đóng các vở hài ngắn trên truyền hình cho... vui như Phạm Bằng; người chăm chỉ dẫn chương trình giải trí trên truyền hình như Xuân Bắc; người chưa biết làm gì như Công Lý...

Tại sao sân khấu hài phía Bắc lại không thể sống được trong khi diễn viên hài miền Bắc không thiếu tài năng, được đào tạo bài bản, được khán giả yêu quý, được “PR” tốt nhờ truyền hình và luôn nhận được sự ưu ái từ các phương tiện truyền thông khác? Phải chăng khán giả phía Bắc không thích sân khấu, không chuộng hài?

Nếu có dịp đến Hà Nội vào dịp Tết, đi Hải Phòng, Hải Dương vào ngày thường, chắc hẳn bạn sẽ thấy cảnh “nhà nhà xem hài”. Các đĩa hài Xuân Hinh, hài Táo quân, hài Tết... được người dân rất ưa chuộng, trẻ con thì thi nhau bắt chước các câu nói “độc đáo” của các diễn viên hài. Tuy nhiên, sự yêu thích hài hiện tại của người dân mới chỉ dừng lại ở việc xem qua tivi, qua băng đĩa (thường là lậu), việc bỏ tiền, bỏ thời gian đến với sân khấu thực là... xa xỉ.

“Sân khấu là thánh đường, giờ đã trở nên cực đoan, lẻ loi quá rồi. Chẳng ai tìm thấy thánh đường ở đây nữa”, ông Trương Nhuận - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tâm sự. “Biết bao hình thức giải trí hấp dẫn, thậm chí xô bồ khác đang lấn át, bằng mọi cách lấy lòng công chúng. Khán giả của chúng ta cũng đang bị phân hóa rõ rệt, trong đó phần đông nhu cầu giải trí đã lấn át nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Và thế là sân khấu, với những nét đặc thù của mình có vẻ như trở nên lạc lõng hơn bao giờ hết. Nó không còn là món ăn tinh thần duy nhất như 20 năm trước đây”.

Vậy cứ theo đà xuống dốc không phanh này, sân khấu nói chung và sân khấu hài nói riêng của miền Bắc sẽ đi về đâu?

“Tôi không biết!”, nghệ sỹ ưu tú Chí Trung trả lời. “Diễn chính kịch thì khán giả không muốn xem, diễn hài mãi thì thành nhàm và nhạt. Quả thực, sân khấu đang... chết. Chúng tôi lúc này đang tập trung vào hài để kéo khán giả trở lại rạp. Sau đó sẽ quay trở về với các vở chính kịch. Quan trọng lúc này là tôi cần và còn có nhiệt huyết, không phải dành cho các diễn viên anh em bạn bè của tôi, mà để đốt lửa chính tôi. Sợ nhất lúc này là mất hết lòng tin, mất lòng tin là mất tất cả”.

“Nống” lên để gây cười

Có hai loại (kiểu diễn) hài, hài tình huống và hài ngoại hình. Với hài tình huống, dễ làm cho nhân vật có chiều sâu, diễn viên từng thành công với chính kịch như Phạm Bằng, Minh Vượng, Chí Trung, Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý thường lựa chọn loại hình này. Tình huống trong các vở hài tốt, đồng nghĩa với nhân vật hay.

Còn với hài ngoại hình, nếu làm không khéo diễn viên sẽ tạo ra tiếng cười theo cách dung tục, dễ dãi, hời hợt, gây phản cảm. Tuy nhiên, để chiều lòng các “thượng đế” vốn nhiều thị hiếu phân cấp khác nhau, với mong muốn bán được nhiều vé, hài ngoại hình được các diễn viên khai thác tối đa, lắm khi chỉ để “ép” khán giả cười mà họ không cười nổi.

Lý giải vấn đề này Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh cho rằng: “Một khi khán giả đã đến với sân khấu hài thì cái hài ấy sẽ luôn không định vị ở một điểm. Lần đầu đến xem hài, nụ cười họ ý nhị, thâm thúy, bởi những vở hài kịch ngắn chúng tôi chọn vẫn còn sâu sắc. Đến chương trình sau, khán giả đã bắt đầu quen lại muốn cái hài cao thêm một chút, hơi “nống” lên một chút. Cộng theo đó là từ phía diễn viên, họ cũng thích khán giả hôm nay phải cười nhiều hơn hôm qua, thành ra bản thân họ cũng “nống” thêm tí nữa. “Nống” với ý nghĩa là khi diễn hài, chuyện không còn nữa thì người ta bắt đầu khoa trương bằng cách méo mó chân tay, mặt mũi để quyết gây cười. Hôm sau thấy khán giả không cười bằng hôm qua họ không yên tâm, lại thêm những câu đời thường vào... bằng mọi cách mua tiếng cười người xem. Thế là dần dần cả diễn viên và khán giả cùng đẩy cái “nống” của hài lên cao trào, đến như bây giờ nó trở thành “náo”. Nó thiếu tính thẩm mỹ, bớt đi tính giáo dục và cũng bớt đi cả tính triết lý sâu sắc”.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh ban đầu đến với sân khấu hài không dễ dàng chút nào, khi bản thân chị yêu sân khấu chính kịch tới mức... cực đoan.

Khi khán giả bắt đầu thấy chị xuất hiện trong một số vở hài, không ít người tỏ ra thất vọng về “thần tượng” của mình: “Nhưng do nhu cầu của cuộc sống, những người nghệ sĩ như chúng tôi buộc phải thích nghi, bằng cách đến với hài kịch (...) Diễn viên lại cần khán giả, cần người chiêm ngưỡng thành quả lao động nên buộc phải đi theo nhu cầu số đông. Tôi cũng không ngoại lệ”./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục