Vẫn còn nguy cơ lớn

Bệnh tay chân miệng vẫn là một mối nguy cơ lớn

Bệnh tay chân miệng là một mối nguy cơ lớn khi đến giữa tháng 10, trên cả nước đã gần 116.500 người mắc và 42 trường hợp tử vong.
Theo Bộ Y tế, hiện nay một số dịch bệnh có những diễn biến phức tạp trên nhiều phương diện, nhiều địa phương trên cả nước.

Điển hình như một số dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương như tay chân miệng, rubella, cúm A/h5N1, sốt xuất huyết… trở thành mối đe dọa sức khỏe người dân ở nhiều vùng miền.

110.000 người mắc bệnh tay chân miệng

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch năm 2012 và kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2013 vừa tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Yế Nguyễn Thanh Long nhận định bệnh tay chân miệng hiện nay vẫn là mối nguy cơ lớn ở Việt Nam do bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, ông Long khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là vì những người bị nhiễm tay chân miệng vẫn có thể bị mắc trở lại.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 30/9, cả nước ghi nhận có gần 110.000 người mắc bệnh tay chân miệng tại 63 địa phương. Trong đó đã có 41 người tử vong do bệnh này tại 15 tỉnh, thành phố.

Đáng lưu ý, đến ngày 14/10, cả nước có tổng số người mắc tăng lên gần 116.500 người và 42 trường hợp tử vong.

Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần đầu tháng 10 đã có thêm gần 6.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và có thêm 1 người tử vong.

Thống kê cho thấy, số trường hợp tử vong chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, chiếm khoảng 90% số tử vong của cả nước.

10 tỉnh có tỷ lệ mắc trên tổng số 100.000 dân cao nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Yên Bái, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bến Tre, Lào Cai, Hòa Bình.

Hiện nay, An Giang là tỉnh có tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc cao nhất trên cả nước, 10 trường hợp tử vong.

Chín tỉnh có tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng đứng sau An Giang là Bình Phước, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An, Bình Định, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh tập trung ở trẻ nhỏ

Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định tay chân miệng là loại bệnh do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Bệnh này có nguy cơ tử vong và biến chứng cao ở trẻ em. Qua theo dõi dịch bệnh những năm gần đây cho thấy, bệnh tay chân miệng tăng liên tục và không có chiều hướng giảm.

Ông Hiển cho biết: “Về một số đặc điểm dịch tễ học nổi bật, các ca bệnh tay chân miệng tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi. Đây là nhóm trẻ mẫu giáo, mầm non thường xuyên tiếp xúc với các nhóm trẻ cùng lứa tuổi nên dễ lây bệnh.”

Thống kê tại tỉnh An Giang cho thấy, 100% các ca tử vong do bệnh tay chân miệng ở tỉnh này là trẻ em dưới 3 tuổi.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên thường diễn tiến nhanh và bất thường, có thể gây tử vong sớm vì virus gây bệnh có độc lực cao chiếm đến 86%.

Vì vậy, các chuyên gia về dịch tễ học khuyến cáo người dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con nhỏ cần vệ sinh răng, miệng, tay, chân trước khi cho trẻ ăn và thực hiện việc ăn chín, uống sôi.

Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân... cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm và giảm lây lan ra cộng đồng./.
 Bệnh tay chân miệng

Trước năm 2005, bệnh tay chân miệng hầu như không ghi nhận tại Việt Nam.

Năm 2005, một vụ dịch tay chân miệng có quy mô lớn đã xảy ra tại khu vực phía Nam làm hơn 700 trẻ nhập viện, trong đó có 3 ca tử vong.

Năm 2011, Việt Nam ghi nhận có hơn 113.000 người mắc bệnh tay chân miệng, tử vong 170 trường hợp.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục