Chứng khoán đổ dốc

Chứng khoán châu Á đổ dốc, thấp nhất 5 tháng qua

Phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục rơi thấp nhất trong 5 tháng qua, với chỉ số Nikkei-225 còn 10.057,09 điểm.,
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/2, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục rơi xuống các mức thấp nhất trong 5 tháng qua do các nhà đầu tư quay lưng lại với các tài sản rủi ro sau khi các vấn đề về nợ công trỗi dậy ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Bên cạnh đó còn có số người thất nghiệp gia tăng ở Mỹ cũng làm dấy lên nỗi lo ngại về triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 4/2, chứng khoán toàn cầu cũng đã đồng loạt đi xuống do những lo ngại về về triển vọng kinh tế toàn cầu và một loạt các nhân tố tiêu cực tại các khu vực, trong đó có tình trạng thâm hụt tài khóa nghiêm trọng tại các nước Nam Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp, cùng những dự báo kém sáng sủa về tình hình trả lương ở khu vực phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối ngày 5/2.

Đóng cửa phiên cuối tuần tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 giảm gần 3% xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua, với 10.057,09 điểm, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu bị thiệt hại nặng do đồng Yen mạnh lên cùng các vấn đề về tài chính đang leo thang tại châu Âu.

Chứng khoán Hongkong cũng đóng cửa phiên cùng ngày với mức giảm lớn 3,33%, xuống còn 19.665,08 điểm, lần đầu tiên kể từ ngày 30/4/2009, chỉ số này bị tụt xuống mức dưới 20.000 điểm.

Tại Đài Loan, chỉ số weighted cũng giảm mạnh 4,3%, phiên mất điểm lớn nhất trong một ngày của chỉ số này trong gần 13 tháng qua. Tại Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Thượng Hải để mất 1,87% (tương đương giảm 55,91 điểm), xuống 2.939,40 điểm. Hầu hết các thị trường khác trong khu vực cũng đều đồng loạt đi xuống trong phiên này.

Giám đốc công ty nghiên cứu chứng khoán châu Á S&P tại Singapore, Lorraine Tan cho rằng vấn đề cấp thiết hiện nay trên các thị trường hàng hóa, trong đó có chứng khoán, là niềm tin của giới đầu tư, trong đó các số liệu chủ chốt từ nền kinh tế đầu tầu Mỹ, có vai trò hết sức quan trọng tới tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, ông Dariusz Kowalczyk, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại SJS Markets ở Hongkong cho rằng thời kỳ đen tối nhất của chứng khoán châu Á có thể sẽ rơi vào trước quý II năm nay và cảnh báo rằng, tác động của các gói kích thích tài khóa tại các nền kinh tế lớn có thể sẽ gây ra một cuộc suy thoái kép tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vào cuối năm nay, đồng thời các thị trường có thể sẽ chứng kiến điều này xảy ra vào cuối năm.

Ông nói, các thị trường chứng khoán thường đi trước các sự biến đổi về kinh tế khoảng 2 quý.

Chỉ số chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) MSCI cũng giảm 3,3% xuống các mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9/2009, trong đó dẫn đầu là các cổ phiếu ngành tài nguyên và công nghệ, do lo ngại nhu cầu về những mặt hàng này trên toàn cầu giảm sút./.

Thùy Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục