Người khởi nguồn chống sa mạc hóa ở Bình Thuận

Ông Trần Hữu Thái và các cộng sự đã đề xuất xây dựng những bể nước lớn trên đồi cát, trữ nước mưa dùng để tưới trong mùa khô.
Con đường về chiến khu Lê (thuộc hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) hôm nay mênh mông một màu xanh của lá, mát rượi những tán cây sum sê tràn đầy nhựa sống. Cuộc sống người dân cũng đổi thay theo từng ngày.

Ít ai biết được rằng, để đổi thay vùng đất “sa mạc” này, ông Trần Hữu Thái, hiện là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bình Thuận đã chắt chiu từng cái cây của dự án, đem lại niềm tự hào cho Bình Thuận trên con đường chống sa mạc hóa. Ông đã lặn lội sát cánh cùng dự án chống sa mạc hóa cho chiến khu Lê, làm đổi thay một vùng đất chết...

Chiến khu Lê được biết đến là nơi có nguồn nước khan hiếm nhất Việt Nam. Cuộc sống nhân dân nơi đây vô cùng khó khăn thiếu thốn. Hàng chục năm qua, đã có nhiều đề tài khoa học được đưa ra cho vùng sa mạc hóa chiến khu Lê nhưng đều không thành công. Cuộc sống chỉ thật sự đổi thay khi ông Thái chủ trì thực hiện dự án “Khai thác và bảo vệ tài nguyên đất và nước góp phần chống sa mạc hóa” được triển khai tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, do quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (GEF SGP-UNDP) tài trợ.

Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 1966 và công tác tại Viện Nghiên cứu bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp. Qua thời gian dài công tác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đến năm 1975 ông về công tác tại Sở Nông nghiệp Bình thuận và gắn bó với vùng đất nắng gió này. Năm 1999, ông nghỉ hưu khi đang là Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Bình Thuận. Rồi ông tham gia làm Phó chủ tịch Hội làm vườn Bình Thuận, để tiếp tục thực hiện những dự án còn nhiều trăn trở.

Trong những lần công tác về vùng chiến khu Lê, ông luôn day dứt bởi cuộc sống nơi đây vô cùng khó khăn do thiếu nguồn nước. Ông luôn nghĩ đến những cách làm để đổi thay nơi đây. Tuy nhiên, nguồn kinh phí không có nên những suy nghĩ của ông vẫn nằm trên giấy... cho đến khi ông tiếp cận được dự án thuộc chương trình GEF SGP-UNDP.

Từ thực tế cách thu nước mưa truyền thống bằng chum vại của người dân trong vùng, ông cùng các cộng sự đã nghĩ đến phương thức xây dựng những bể nước lớn trên đồi cát, trữ nước mưa dùng để tưới trong mùa khô. Dự án này đã đáp ứng tốt cả ba yếu tố cần thiết gồm vật tư làm bể nước sẵn có ở địa phương; người dân tự làm được; giá thành hợp lý.

Trước đây, người dân đã biết tận dụng mùa mưa để trồng cây trên đồi cát. Nhưng cây chỉ sống được đến mùa khô năm sau vì rễ cây chưa kịp ăn xuống dưới lớp cát có độ ẩm để hút nước. Ông nhẩm tính, nếu hai mùa khô tiếp theo có được một lượng nước cần thiết bù vào, chắc chắn cây sẽ sống. Vì vậy, phải trữ nước mưa ngay trên vùng cát khô hạn này bằng các bể ximăng tự làm.

Từ tháng 6/2005, ông bắt đầu thí điểm dự án trên 16ha của bốn hộ gia đình ở xã Hồng Phong. Được sự hướng dẫn của các chuyên gia, người dân đã xây 10 bể có lót bạt HDBE và bốn bể được trát bằng vữa ximăng đất, mỗi bể dài 7m, rộng 3,5m và sâu 1m, phía trên trải bạt nilông để hứng nước mưa chảy xuống. Theo tính toán, chỉ sau một mùa mưa, nước sẽ chảy đầy bể.

Ông cũng đề xuất mô hình thích hợp cho trồng cây nông, lâm kết hợp “lấy ngắn nuôi dài." Cụ thể, trước khi trồng được rau màu phải có cây lâm nghiệp xen kẽ tạo tán che phủ. Người dân đã trồng cây dầu lai xung quanh 4ha thí điểm đầu tiên, cây xoan và cây trôm đều là những cây chịu hạn, được trồng thành nhiều hàng để chắn gió.

Các sản phẩm từ những cây đậu phộng (lạc), dưa lấy hạt... kết hợp với cải tạo đất đã mang lại nguồn thu đáng kể trong những năm đầu thực hiện dự án. Người dân không chỉ trồng trọt mà còn thả cá, trồng được rau xanh tự túc cho gia đình, điều mà trước đây chưa bao giờ làm được ở vùng gió cát này.

Sau khi thử nghiệm thành công, hiện nay mô hình đang được nhân rộng ra 24 hộ gia đình (trên diện tích 80ha) ở xã Hồng Phong. Ông Võ Quốc Toàn, một trong những người dân ở vùng “sa mạc” chiến khu Lê thực hiện dự án cho biết: “Số tiền thu được từ trồng cây màu xen rừng cây trôm năm đầu là trên 16 triệu đồng, điều mà người dân trước đây có mơ cũng không dám nghĩ tới."

Ông Thái tâm sự: “Nếu những vùng đất ở sa mạc như thế này được cải tạo thành đất canh tác, người dân nơi đây không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu vào một ngày không xa. Nhờ những cố gắng không mệt mỏi của ông, đến nay xã Hồng Phong đã có một hệ thống thu trữ nước mưa trên cát và hệ thống tưới bổ sung vào mùa khô gồm 29 hồ ximăng chứa nước, mỗi hồ từ 7-17 m3; trồng được hơn 6.000 cây xoan chịu hạn và cây dầu lai chắn cát.

Thành công của mô hình là căn cứ khoa học đáng tin cậy cho việc cải tạo, phát triển sinh thái bền vững và cần được nhân rộng cho hơn 52.000ha đất sa mạc hoang hóa ven biển Bình Thuận. Những vùng đất cằn cỗi đã dần biến mất và thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của một sức sống mới./.

Nguyễn Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục