TTCK: Nguồn tiền phân vân lựa chọn dòng chảy

Thị trường chứng khoán đang đối mặt với hàng loạt thông tin bất lợi như áp lực lạm phát, giá vàng và USD đang ở mức cao, hay giá điện sắp tăng.... Bởi vậy, tâm lý nhà đầu tư hầu hết trong trạng thái xấu. Nguồn tiền đầu cơ dồi dào nhưng dòng chảy về chứng khoán lại bị phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn kênh đầu tư đang trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Trong những phiên giao dịch đầu xuân Tân Mão, thị trường chứng khoán đã phải đối mặt một loạt thông tin kinh tế như áp lực lạm phát tăng, giá vàng và giá USD tăng cao...

Niềm hưng phấn của thị trường chỉ xuất hiện trong phiên đầu tiên (8/2) với mức tăng tới 10 điểm của VN-Index. Các phiên sau đó, thị trường bắt đầu có xu hướng điều chỉnh trong thế giằng co, giữa một bên là số lớn nhà đầu tư cá nhân đang mong muốn thoát ra khỏi thị trường và bên kia là số nhỏ các nhà đầu tư tổ chức nỗ lực kiểm soát sự dao động của VN-Index.

Theo giới chuyên gia, với những động thái trên, VN-Index có khả năng lặp lại kịch bản đi ngang của những tháng đầu năm 2010.

Tâm lý đầu tư hoang mang

Ông Lê Trọng Nghĩa, một nhà đầu tư có thâm niên trong đầu tư chứng khoán, cho rằng nhìn chung các nhà đầu tư đang trong trạng thái tâm lý xấu. Nguyên nhân trước đó thị trường duy trì trạng thái đi ngang quá lâu, khiến hoạt động đầu tư gặp nhiều thua lỗ. Đến nay, kinh tế vĩ mô lại đón nhận nhiều thông tin mấy không thuận lợi, dự báo sẽ có khả năng tăng giá xăng dầu, điện, nước... hay việc điều chỉnh tỷ  giá VND/USD làm gia tăng sự lo ngại về lạm phát, tạo ra áp lực kép chi phối tâm lý các nhà đầu tư.

“Thời điểm này thị trường đang xuất hiện một làn sóng tháo chạy, nhiều nhà đầu tư có xu thế thu tiền về và quay sang phòng thủ. Kể cả các nhà đầu tư bám sàn, có say mê chứng khoán cũng phải cơ cấu tỷ trọng đầu tư ở mức thấp, bởi tính rủi ro của thị trường trong ngắn hạn là rất cao,” ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng chỉ ra, mặc dù hoạt động kinh doanh của nhiều mã chứng khoán vẫn tương đối ổn định, song những các con số đó thể hiện kết quả trong quá khứ và một phần hiện tại, mà đầu tư chứng khoán là đầu tư cho tương lai nên hoạt động đầu tư trên thị trường thường bị tác động bởi các thông tin vĩ mô.

Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Khối Đầu tư, Phân tích Công ty Chứng khoán SME lại đưa ra quan điểm khác, hầu hết các doanh nghiệp trước đó đã phải giao dịch tại tỷ giá 20.500 – 21.000 đồng/USD nên việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ tác động không nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Điều chỉnh tỷ giá lần này phù hợp với mức kỳ vọng của nhà đầu tư và có tác động tích cực đối với thị trường.

Đồng thời, tỷ giá ổn định sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài do giảm thiểu được rủi ro từ chênh lệch tỷ giá. Tỷ giá ổn định là chìa khóa cho dòng vốn ngoại dài hạn quay trở lại thị trường Việt Nam.

“Tuy nhiên, trong trường hợp tỷ giá trên thị trường tự do lại tiếp tục tạo khoảng cách với tỷ giá chính thức, thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp và đáng lo ngại,” ông Hùng nhận định.

Dòng tiền đang phụ thuộc vào các kênh đầu tư khác

Phân tích xu hướng thanh khoản của thị trường trong thời điểm hiện tại, theo ông Nguyễn Việt Hùng, dòng tiền vào chứng khoán đang phụ thuộc vào các kênh đầu tư khác hơn là tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Dòng tiền đầu cơ trên thị trường hiện nay vẫn rất dồi dào nhưng còn đang phân vân giữa các kênh đầu tư như tiền gửi ngân hàng, USD, vàng, chứng khoán và bất động sản.

Đối với đầu tư vàng, mặc dù có nhiều dự báo lạc quan về giá vàng trung và dài hạn,song ông Hùng cho rằng tính hấp dẫn của kênh đầu tư này đang giảm khi mức giá dần ổn định ở vùng cao và không có nhiều biến động.

“Đầu tư tiết kiệm có mức lãi suất ngắn hạn ở khu vực 14% vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi chứng khoán và bất động sản tương đối ảm đạm. Ngoài ra, việc giữ USD được coi là hình thức khá an toàn trong điều kiện hiện nay nhưng tâm lý chung, đa phần mua ngoại tệ thường để gửi tiết kiệm và phục vụ cho mục đích trung và dài hạn nên sẽ không có nhiều khả năng chuyển ngay sang thị trường chứng khoán trong ngắn hạn,” ông Hùng nói.

Ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán Thăng Long đồng tình với quan điểm gửi tiết kiệm VND đang có lợi hơn so với các kênh đầu tư khác. Bởi khi tỷ giá VND/USD mới được điều chỉnh tăng tới 9,3% là một mức cao, vì vậy trong ngắn hạn đầu tư ngoại tệ khó mà mang lại được mức lợi nhuận vượt quá 10%.

Nhưng ông Thế Anh cũng lo ngại rằng chưa chắc dòng tiền của khối ngoại sẽ đổ vào thị trường chứng khoán khi mà tỷ suất lợi nhuận ở đây cũng không hấp dẫn.

Có khả năng dòng tiền này sẽ chảy về các kênh tín dụng nhằm hưởng lợi thông qua sự chênh lệnh lãi suất giữa quốc tế và thị trường trong nước. Dòng vốn đầu cơ này mang tính chất thăm dò trong 3 - 6 tháng. Mặt tích cực, dòng tiền này cũng góp phần cải thiện yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư trong nước trong ngắn hạn.

“Tuy nhiên, để giữ chân và thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài phải dựa vào điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước ổn định. Hơn nữa, các dấu hiệu từ nền kinh tế Mỹ cũng như châu Âu cũng đang cho thấy sự ổn định dần, vì vậy xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố kinh tế nội tại,” chuyên gia Thế Anh nhận định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục