Mua bán CK "chui": Khi văn hóa đặt dưới lợi ích

Chế tài xử phạt quá thấp ở mức vài ba chục triệu không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu về từ các  vụ mua, bán chứng khoán “chui.” Theo tiến sĩ Trịnh An Huy, Chủ tịch câu lạc bộ Nhà đầu tư Chứng khoán (CSI), cần phải phân biệt rõ giữa ông chủ “giả” và ông chủ “thật.” Những ông chủ “thật” thì luôn luôn biết bảo vệ cho doanh nghiệp của mình. Những ông chủ “giả” chỉ cố gắng bảo vệ cho vị trí của mình và đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Ngày 4/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có Quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân mua, bán chứng khoán “chui,” vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể là ông Phạm Hữu Thạo, Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, bà Ngô Thị Thuận là người có liên quan với ông Vũ Văn Chiến, Ủy viên Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Hoá dầu Petrolimex, Ông Nguyễn Tiến Nam là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Sông Đà 19 đã thực hiện giao dịch chứng khoán nhưng đều không báo cáo với UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Ngay trước đó (20/4), UBCKNN cũng đã có quyết định xử phạt hành chính đối với chín cá nhân có cùng những lỗi như trên.

Trước tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng, các ý kiến của thị trường đều cho rằng chế tài xử phạt  đang quá thấp, mức phạt chỉ vài ba chục triệu không thấm vào đâu so với giá trị lợi nhuận thu về từ các phi vụ mua, bán chứng khoán “chui.”

Tuy nhiên dưới góc độ quản trị, thực trạng này cho thấy ứng xử văn hóa doanh nghiệp của nhiều công ty niêm yết đã đến lúc phải báo động.

Theo tiến sĩ Trịnh An Huy, Chủ tịch câu lạc bộ Nhà đầu tư Chứng khoán (CSI), cần phải phân biệt rõ giữa ông chủ “giả” và ông chủ “thật.” Những ông chủ “thật” thì luôn luôn biết bảo vệ cho doanh nghiệp của mình. Những ông chủ “giả” chỉ cố gắng bảo vệ cho vị trí của mình và đây chính là mấu chốt của vấn đề.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lúc nào cũng tồn tại xung đột lợi ích giữa người điều hành và cổ đông, cũng như xung đột lợi ích giữa nhà nước và người được ủy quyền. Xung đột này mang tính chất tự nhiên, trong khi đó luật lại không thể bịt được hết kẽ hở.

“Luật pháp chỉ có thể kiểm soát và hạn chế xung đột, nên sẽ có những người lợi dụng kẽ hở để vun vén cho lợi ích cá nhân,” ông Thành nói.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, đến lúc này trái bóng lại thuộc về chân các cổ đông lớn (tư nhân hay nhà nước) phải có một tầm nhìn dài hạn, phải xác định giá trị thương hiệu lâu dài. Khi đó, nền tảng văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra cấu kết hài hòa giữa người tác nghiệp và hội đồng quản trị, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục