TP.HCM còn cơ sở giết mổ ô nhiễm trong nội thành

Trên địa bàn các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm giữa khu dân cư, gây ô nhiễm.
Ông Đinh Công Hùng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn các quận nội thành vẫn còn một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm giữa các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hùng cũng đã chỉ ra những cơ sở gây ô nhiễm như xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong (quận Bình Thạnh), Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn (quận Gò Vấp)... Mặc dù đã hết thời gian tồn tại trong thành phố nhưng đến nay các cơ sở trên vẫn chưa di dời do gặp nhiều vướng mắc, khiến những người dân sống xung quanh phải khổ sở vì nạn ô nhiễm.

Theo thống kê, toàn thành phố hiện còn 16 trại chăn nuôi với 70.000 con gà, hơn 12.000 hộ dân và 5 doanh nghiệp quốc doanh chăn nuôi hơn 300.000 con heo, hơn 20.000 hộ dân cùng 2 doanh nghiệp nuôi bò với tổng số 118.000 con, trong đó có một số cơ sở chăn nuôi nằm gần các khu dân cư hoặc trong các quận nội thành.

Theo ông Nguyễn Văn Trực,Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Sagri đã tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp thực hiện chủ trương di dời cơ sở chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm ra khỏi nội thành. Đến nay, có nhiều đơn vị như xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp, xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long... đã di dời xong và tiến hành sản xuất ở những nơi mới.

Một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có quy mô lớn như xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong (Bình Thạnh), Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn (Gò Vấp) mặc dù đã xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nuớc thải từ 200 m³ lên 400 m³/ngày đêm nhưng qua kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn không thể xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nuớc.

Nguyên nhân là do phải di dời nên các doanh nghiệp không thể đầu tư nhà máy xử lý nuớc thải quá tốn kém, chủ yếu chỉ nâng cấp để đối phó tình thế. Bên cạnh đó, việc chậm di dời là phần lớn các doanh nghiệp đều thiếu vốn khi di dời, trong khi đó phần lớn mặt bằng chuẩn bị di dời đều được thành phố quy hoạch làm công viên, cây xanh hoặc trường học. Ngoài ra, khâu thủ tục di dời cho một dự án thường mất khoảng 5 năm, chưa kể thêm vài năm để xây dựng.

Đến nay thành phố vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nằm ở khu vực nội thành, trong đó có xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong cung cấp 55% nhu cầu thịt của toàn thành phố. Để hạn chế ô nhiễm, trước mắt, Sagri giảm một nửa số đầu heo giết mổ mỗi đêm tại xí nghiệp Nam Phong, thay đổi giờ vận chuyển heo vào giết mổ, hợp đồng với công ty môi trường vận chuyển chất thải rắn hàng ngày.

Theo kế hoạch, Sagri sẽ đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ và xuởng chế biến thực phẩm mới rộng 81 ha ở xã Tân Thạnh (huyện Củ Chi) vào năm 2012. Các cơ sở giết mổ gia súc có quy mô nhỏ cũng phải đầu tư hệ thống xử lý nuớc thải, kiểm tra chặt chẽ nguồn gia súc, hạn chế thấp nhất nạn ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động... Ngoài ra, hai doanh nghiệp kinh doanh và giết mổ gia cầm Phú An Sinh và Huỳnh gia Huynh đệ cũng đã đầu tư, liên kết với các chủ trang trại gia cầm ở các tỉnh để tạo nguồn hàng sạch, hạn chế lây lan dịch bệnh từ gia súc, gia cầm cho thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục