Hiệp ước Lisbon và diện mạo mới Liên minh châu Âu

Việc Tổng thống Séc đặt bút ký thông qua Hiệp ước Lisbon hy vọng sẽ mang lại cho EU một diện mạo mới bằng sự thịnh vượng và đoàn kết.
Việc Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus ngày 3/11 đặt bút ký thông qua Hiệp ước Lisbon về cải cách các thể chế quyền lực của Liên minh châu Âu (EU) được coi là một thành công giúp hoàn tất tiến trình phê chuẩn "đầy sóng gió" đối với một văn bản pháp lý, hy vọng sẽ mang lại cho EU một diện mạo mới bằng sự thịnh vượng và đoàn kết.

Vượt qua những cửa ải gian nan

Hiệp ước Lisbon - tiền thân là bản dự thảo Hiến pháp chung EU ra đời năm 2005, nhưng đã bị "chết yểu" ngay khi cử tri Pháp và Hà Lan nói "không" với văn bản pháp lý này trong các cuộc trưng cầu ý dân vào năm ấy. Để "hồi sinh" văn kiện này, nói đúng hơn là vực dậy tiến trình "nhất thể hóa châu Âu", các điều khoản trong bản dự thảo Hiến pháp chung đã buộc phải thay đổi theo hướng đơn giản hóa tối đa, nhằm tìm được sự đồng thuận và tiếng nói chung.

Sau hơn 2 năm bị "treo", bản dự thảo Hiến pháp được sửa đổi và sau đó được các nhà lãnh đạo EU ký thông qua hồi cuối năm 2007 tại thủ đô Bồ Đào Nha, với tên gọi mới là Hiệp ước Lisbon. Thay vì tổ chức trưng cầu ý dân như lần trước, các nước thành viên EU đã chọn giải pháp an toàn là thông qua bản hiệp ước này tại quốc hội, trừ Ireland là quốc gia duy nhất tiến hành trưng cầu ý dân đối với văn bản này. Đây cũng là "cửa ải đầu tiên" cho kế hoạch cải cách thể chế EU.

Lại một lần nữa, tiến trình thông qua Hiệp ước Lisbon lâm vào bế tắc khi người dân Ireland "quay lưng" lại với nó trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hồi tháng 6/2008. Tiến trình phê chuẩn buộc phải kéo dài đã khiến Hiệp ước Lisbon không thể có hiệu lực vào đầu năm 2009 như kế hoạch ban đầu, mặc dù nó đã được cơ quan lập pháp của đại đa số các nước thành viên thông qua.

Mọi việc tưởng như đã suôn sẻ khi Ireland thông qua hiệp ước này với tỷ lệ ủng hộ cao (67%) trong cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, thế nhưng ngay lập tức nó lại vấp phải rào cản mới từ phía Cộng hòa Séc khi Tòa án Hiến pháp nước này hôm 2/10 vừa rồi đã bất ngờ gửi thư yêu cầu Tổng thống Vaclav Klaus không phê chuẩn văn kiện cho đến khi tòa ra phán quyết về bản kiến nghị của một số nghị sĩ Séc phản đối văn kiện mới của EU, bất chấp việc cả hai viện Quốc hội Séc đã thông qua hiệp ước.

Việc EU "nhượng bộ" bằng những điều chỉnh nhỏ trong Hiệp ước Lisbon đã khiến Tòa án Hiến pháp Séc ra phán quyết khẳng định văn kiện này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa Séc và Tổng thống Vaclav Klaus ngay lập tức ký phê chuẩn văn kiện. Tiến trình thực thi Hiệp ước Lisbon đã được khai thông sau gần 5 năm sóng gió.

Hy vọng một diện mạo mới cho EU

Các nhà lãnh đạo EU hy vọng Hiệp ước Lisbon, dự kiến bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày 1/12/2009, sẽ chấm dứt "cuộc khủng hoảng chính trị" kéo dài nhiều năm qua của "đại gia đình" ở tuổi trung niên này, đồng thời mở ra chương mới trong lịch sử EU. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Manuel Baroso tuyên bố: "Trên lục địa châu Âu già cỗi, một châu Âu mới sẽ được sinh ra".

Theo Hiệp ước Lisbon, trong quá trình ra quyết sách, EU không còn bị rơi vào tình trạng một thành viên có thể bắt toàn bộ những nước còn lại làm "con tin" bằng lá phiếu phủ quyết của mình. Bởi theo văn bản mới này, tới năm 2014, một số chính sách của EU trong các lĩnh vực nhạy cảm như tư pháp, nội chính sẽ chuyển từ "cơ chế biểu quyết đa số hữu hiệu" sang "cơ chế biểu quyết đa số song trùng", nghĩa là chỉ cần 55% số nước thành viên và 65% người dân EU ủng hộ thì sẽ được thông qua. Ngoài ra, Hiệp ước Lisbon cũng sẽ tăng quyền lực cho Nghị viện châu Âu và tạo điều kiện cho nghị viện các nước thành viên phát huy vai trò to lớn trong quá trình ra quyết sách của EU.

Liên quan đến vấn đề tổ chức, các nước thành viên sẽ phải chọn một vị Chủ tịch EU với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, thay chức Chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 6 tháng hiện nay. Không chỉ là đại diện cấp cao nhất của EU giải quyết các vấn đề quốc tế (giống như một tổng thống), vị chủ tịch mới này còn có nhiệm vụ chuẩn bị các hội nghị thượng đỉnh của khối. EU cũng sẽ bầu ra một quan chức (như ngoại trưởng) để đảm nhiệm các trách nhiệm của cả Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại chung của EU và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề đối ngoại hiện nay.

Vượt qua được "cửa ải" gian khổ cuối cùng để Hiệp ước Lisbon có thể đi vào thực tiễn, không thể phủ nhận vai trò của Thụy Điển, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2009.

Nhận trách nhiệm trong bối cảnh EU phải trải qua thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử 50 năm tồn tại, cùng "núi" công việc không mấy thuận lợi từ trước để lại, Thụy Điển vừa phải dồn sức để vật lộn với "bão tài chính" và bảo đảm thành công cho Hội nghị chống biến đổi khí hậu diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới, vừa phải thúc đẩy tiến trình thông qua Hiệp ước Lisbon, với hy vọng sẽ có một bước ngoặt quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU.

Thành công đã "mỉm cười" với Thụy Điển. Tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon đã hoàn tất ngay trước thời điểm Stockholm kết thúc nhiệm kỳ. Và Thụy Điển còn có quyền tự hào hơn nữa khi chuyển giao trách nhiệm Chủ tịch EU cho vị chủ tịch mới với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi.

Theo các nhà phân tích, mọi sự tập trung của dư luận lúc này đang hướng về người nắm giữ ghế Chủ tịch đầu tiên của EU, người sẽ chèo lái con thuyền EU với hơn 500 triệu cư dân trong tiến trình thực hiện cải cách và thay đổi để phù hợp với quy mô mở rộng (từ 15 lên 27 thành viên hiện nay) và nâng tầm vị thế của EU trên vũ đài quốc tế.

Việc Hiệp ước Lisbon nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên, chính là tiền đề quan trọng tạo cơ hội thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng của tổ chức châu lục, đang được đánh giá là thành công nhất này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục