Đồng Nai đối mặt áp lực xử lý chất thải sinh hoạt

Khối lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh cùng với số chất thải chưa xử lý còn tồn tại trong nhiều năm đang tạo áp lực lớn với Đồng Nai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 373.167 tấn (trung bình khoảng 1.382 tấn/ngày).

Khối lượng chất thải sinh hoạt thu gom được 273.175 tấn, chiếm 73,2%. Việc thu gom và xử lý lượng chất thải này cũng như một khối lượng rất lớn chất thải đang tồn tại ở 47 bãi rác tạm trong nhiều năm qua đang tạo ra một áp lực ngày càng lớn cho các nhà quản lý môi trường của tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, tỉnh có 3 đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh với khối lượng 440 tấn/ngày. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Đồng Nai thu gom khoảng trên 400 tấn/ngày về Khu xử lý rác Trảng Dài.

Công ty Cổ phần dịch vụ Sonadezi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại huyện Thống Nhất với khối lượng 20 tấn/ngày về Khu xử lý chất thải Quang Trung. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xây dựng Đa Lộc thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn huyện Tân Phú với khối lượng 20 tấn/ngày về Khu xử lý Phú Thanh. Ngoài ra, còn có 72 đơn vị, tổ chức, cá nhân (trong đó có 21 hợp tác xã) thực hiện thu gom, vận chuyển với khối lượng khoảng 571 tấn/ngày, tập kết tại 47 bãi rác tạm với khối lượng tồn tại khoảng 299.379 tấn.

Ông Võ Thành Tín, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai (Urenco Dong Nai) cho biết, Urenco Dong Nai thu gom bình quân khoảng 450-500 tấn/ngày. Trong đó, Công ty giao lại cho Công ty Cổ phần Môi trường Đồng Xanh khoảng 200 tấn/ngày để xử lý phân compost, số còn lại được đưa về xử lý chôn lấp tại bãi rác Trảng Dài.

Sau quá trình xử lý phân compost, Công ty Đồng Xanh giao lại cho Urenco Dong Nai lượng rác trơ khoảng 112 tấn/ngày để tiếp tục đem đi chôn lấp. Tuy nhiên, theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, bãi rác Trảng Dài sẽ phải đóng cửa sau năm 2013. Hiện nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Urenco Dong Nai lập dự án đầu tư Khu xử lý rác sinh hoạt và công nghiệp tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) rộng khoảng hơn 50ha, công suất xử lý 1.000 tấn/ngày. Đến nay, dự án đang trong quá trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngoài ra, để giải quyết 47 bãi rác tạm đã tồn tại nhiều năm nay, theo ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến năm 2011, ngành sẽ tập trung xử lý thí điểm bãi rác Liên Kim Sơn (huyện Long Thành) bằng công nghệ ép-đóng gói, chôn lấp hoặc vận chuyển về xử lý. Trên cơ sở kết quả thí điểm tại bãi rác tạm Liên Kim Sơn, ngành sẽ tiếp tục lập dự án xử lý đối với 46 bãi rác tạm còn lại.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 9 khu xử lý chất thải, trong đó có 6 khu xử lý rác thải sinh hoạt cho từng huyện và đô thị, gồm: khu xử lý 20ha tại xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ); khu xử lý 15 ha tại phường Trảng Dài; khu xử lý 20 ha tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc); khu xử lý 20 ha tại xã Phú Thanh (huyện Tân Phú); khu xử lý 20 ha tại xã Túc Trưng (huyện Định Quán); khu xử lý 20,3 ha tại xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom).

3 khu xử lý tập trung liên huyện, liên đô thị, gồm: khu xử lý 130ha tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất); khu xử lý 104ha tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành); khu xử lý 81ha tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Hiện nay, tất cả 9 khu xử lý rác thải đã có chủ đầu tư đăng ký.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường còn cho biết, việc triển khai xây dựng các khu xử lý theo quy hoạch, dự kiến, đến năm 2012 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của 5 khu xử lý rác, gồm Bàu Cạn, Vĩnh Tân, Túc Trưng, Xuân Tâm, Xuân Mỹ. Đến năm 2013, tất cả các khu xử lý rác theo quy hoạch sẽ đi vào hoạt động ổn định, xử lý đạt khoảng 76% tổng lượng phát sinh. Năm 2014 sẽ tiến hành nâng công suất phù hợp cho từng khu xử lý để đến năm 2015 xử lý được 100% khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh./.

Lê Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục