"Châu Phi không phải bãi rác của các nước phát triển"

53 nước châu Phi đã yêu cầu những nước phát triển phải ngừng việc xuất khẩu các chất thải chứa hóa chất độc hại sang châu lục này.
53 nước châu Phi yêu cầu các nước phát triển phải ngừng việc xuất khẩu các chất thải chứa hóa chất độc hại sang châu lục này.

Tại Hội nghị các bên của Công ước Stockholm về hóa chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (POP) vừa kết thúc tại Geneva (Thụy Sĩ), 53 nước châu Phi đã khẳng định các nước phát triển không thể biến châu lục này thành bãi rác thải hóa chất độc hại.

Các nước lục địa Đen cũng đồng thời yêu cầu các nước phát triển ngừng xuất khẩu chất thải chứa hóa chất phá hoại hệ thần kinh của trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi sang châu lục này.

Nghiên cứu của Mạng lưới quốc tế loại trừ POP (IPEN) đã phát hiện các hoá chất độc hại này trong sản phẩm cũ đã qua sử dụng ở các nước phát triển như đồ điện tử, đệm, đồ gia dụng, thảm bọt nhiều màu… được xuất khẩu sang châu Phi.

Những hóa chất rất độc hại có thể phá hoại hệ thần kinh của trẻ em như PentaBDE và OctaBDE được phát hiện trong 88% số mẫu đệm bọt được xuất khẩu từ các nước phát triển sang châu Phi, trong đó hơn 50% số mẫu có lượng chất độc hại cao gấp nhiều lần giới hạn chất này trong rác thải theo quy chế của Liên minh châu Âu.

PentaBDE và OctaBDE từ các đệm bọt và sản phẩm chất dẻo sẽ trở thành bụi trong nhà và đầu độc trẻ em.

Mặc dù các nước phát triển cấm chất độc hại này ở trong nước, nhưng lại dành được quyền miễn trừ trong hai năm để quay vòng các sản phẩm có chứa các hóa chất độc hại này thành các sản phẩm tiêu dùng mới để xuất khẩu.

Tiến sỹ Olga Speranskaya, Chủ tịch IPEN, nhấn mạnh đây là một hành động nguy hiểm và đe dọa sự toàn vẹn của Công ước Stockholm.

53 nước châu Phi nhấn mạnh các hóa chất độc hại này đã được Công ước Stockholm liệt vào danh sách phải bị loại trừ ở 170 nước. Vì vậy, các nước phát triển phải có nghĩa vụ xử lý chất thải chứa loại hóa chất độc hại này, thay vì tìm cách xuất khẩu sang châu Phi hoặc các nước đang phát triển ở các châu lục khác.

Yêu cầu của 53 nước châu Phi đã giành được sự ủng hộ của các nước Arập, Mỹ Latin nhiều nước châu Á và Bắc Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục