Indonesia - Điểm sáng mới trên bản đồ FDI châu Á

Trong lúc nhiều nước đang phải chật vật với khủng hoảng, Indonesia lại nổi lên như một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư khắp thế giới.
Trong lúc nhiều nước châu Á đang phải chật vật để níu kéo các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Indonesia lại đang nổi lên như một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Năm 2011, nguồn vốn FDI đổ vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã đạt mức cao kỷ lục hơn 19 tỷ USD.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dòng vốn FDI chảy vào Indonesia sẽ đạt tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới, nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của "quốc gia vạn đảo."

Điểm sáng của châu Á

Năm 2011, tổng số vốn đầu tư thực hiện ở Indonesia là 251.300 tỷ rupiah, trong đó vốn FDI là 175.300 tỷ rupiah (khoảng 19,28 tỷ USD), tăng 18,4% so với năm trước đó và chiếm 69,8% trong tổng nguồn vốn đầu tư ở nước này.

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này, với số vốn đầu tư lên tới 5,1 tỷ USD, chiếm 26,3% trong tổng số vốn FDI. Tiếp theo là các nhà đầu tư Nhật Bản (1,5 tỷ USD), Mỹ (1,5 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,2 tỷ USD).

Sau thành công của năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại dòng vốn FDI vào Indonesia có thể sẽ chững lại bởi vì, kể từ cuối năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư đến từ các nước châu Âu, đã lục tục rút khỏi một số nền kinh tế châu Á do cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn tiếp tục lan rộng và đang tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế của châu lục này.

Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra. Theo Cơ quan Điều phối Đầu tư của Indonesia (BKPM) thuộc Chính phủ Indonesia, trong quý I/2012, “quốc gia vạn đảo” đã thu hút được 51.500 tỷ rupiah, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này tiếp tục tăng lên 56.100 tỷ rupiah (5,92 tỷ USD) vào quý 2/2012, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung sáu tháng đầu năm nay, số vốn FDI chảy vào nước này lên tới 107.600 rupiad, tăng 28,1%.

Ông Chatib Basri, Giám đốc BKPM, cho biết các quỹ nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vốn vào nước này bởi đây là thị trường lớn, có sự ổn định về chính trị và mức sinh lời kinh doanh cao nhất khu vực.

Ông Basri cũng lạc quan cho rằng năm 2013 Indonesia sẽ còn thu hút và giải ngân FDI nhiều hơn nữa. Số liệu thống kê cho thấy, Indonesia thu hút lần lượt 17 tỷ USD và 19 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2010 và 2011.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Indonesia đã điều chỉnh mục tiêu thu hút vốn đầu tư (cả trong và ngoài nước) trong năm nay từ 283.500 tỷ rupiah lên 300.000 tỷ (31,6 tỷ USD).

Sức hấp dẫn của quốc gia vạn đảo

Vào đầu năm nay, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng vị thế đầu tư của Indonesia lên ngang hàng các nước thuộc nhóm BRICS (từ Ba1 lên Baa3). Khi đó, ông Darmin Nasution, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), đã tuyên bố rằng việc Moody’s nâng cấp đánh giá đối với nước này “cho thấy sự thừa nhận trên khắp thế giới rằng Indonesia là một nước đáng để đầu tư.”

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Indonesia trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư đó là đất nước giàu tài nguyên này đã liên tục tăng trưởng cao và ổn định trong những năm gần đây.

Trong giai đoạn 2007-2011, Indonesia đã liên tục tăng trưởng với tỷ lệ bình quân 5.92%/năm. Trong giai đoạn này, năm 2009 - năm nền kinh tế Indonesia tăng trưởng chậm nhất do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này cũng lên tới 4,6%.

Năm ngoái, nền kinh tế này đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,5%, cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Trong sáu tháng đầu năm nay, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và đà tăng trưởng đang có xu hướng chậm dần ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, Indonesia vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng lên tới 6,3%.

Trong báo cáo “Cập nhật về Triển vọng kinh tế châu Á năm 2012-2013” công bố hôm 3/10 ở Jakarta, ADB dự báo đà tăng trưởng của Indonesia trong năm nay sẽ chậm lại (chỉ còn 6,3%) do môi trường kinh tế toàn cầu đang xấu đi.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này sẽ phục hồi vào năm 2013 với tỷ lệ tăng GDP đạt 6,6%.

Phát biểu với các phóng viên, ông Priasto Aji, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, cho biết: “Với các nền tảng kinh tế vững chắc, Indonesia là địa chỉ đầu tư tốt nhất tại châu Á trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên kém hấp dẫn hơn do tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá nhân công tăng.”

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như vậy, Indonesia đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025 thông qua việc tăng cường xuất khẩu thành phẩm hơn là chỉ bán các nguyên liệu thô và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.

Không chỉ tăng trưởng cao, Indonesia đã thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế bất chấp môi trường bên ngoài đang xấu đi.

Theo dự báo của ADB, tỷ lệ lạm phát bình quân của Indonesia trong năm nay có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua.

Trong tháng 9/2012, tỷ lệ lạm phát ở nước này đứng ở mức 4,31%, giảm 0,27 điểm phần trăm so với tháng trước đó. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các cán cân thương mại và thanh toán của nước này liên tục được cải thiện. Tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai/GDP năm 2012 được dự báo đứng ở mức 2,3%.

Nhờ nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Indonesia gia nhập tầng lớp trung lưu. Đây là một nhân tố khác khiến Indonesia trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo BI, các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở nước này đã trở nên giàu có hơn, với sự gia tăng về tài sản ròng, thu nhập và khả năng hoàn trả vốn vay. Kết quả khảo sát năm 2011 của BI cho thấy trong tổng dân số khoảng 240 triệu người của Indonesia, tầng lớp trung lưu chiếm tới 60,9%.

Chuyên gia Aji cho rằng đây thực sự là “một nhóm khách hàng tiềm năng to lớn” của các công ty đang thiết lập và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Indonesia.

Ngoài ra, tình hình kinh tế ở nhiều nước trong khu vực đang xấu đi cũng là một nguyên nhân quan trọng khác khiến Indonesia đang “phát sáng” trên bản đồ FDI của châu Á. Nhà kinh tế Wisnu Wardana của công ty CIMB Niaga có trụ sở ở Jakarta khẳng định “không có nhiều quốc gia miễn dịch trước khủng hoảng như Indonesia.”

Dù vậy, chuyên gia Wardana vẫn cảnh báo rằng Indonesia cần phải có các bước đi đúng đắn để giữ sự hấp dẫn của họ trước các nhà đầu tư. Ông nói: “Indonesia cần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng và chống tham nhũng. Nếu Jakarta giảm các nỗ lực này, dòng vốn FDI vào Indonesia có thể sẽ chậm lại”./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục