Chứng khoán châu Á khởi sắc nhờ giá dầu đi xuống

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 88,59 điểm, lên 9.722,52 điểm, mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua.
Trong phiên giao dịch ngày 28/2, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á đều quay đầu tăng điểm, do giá dầu bắt đầu có xu hướng “hạ nhiệt” và các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ, bất chấp việc xuất hiện một số thông tin đáng thất vọng từ khu vực châu Âu, đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 88,59 điểm, tương đương 0,92%, lên 9.722,52 điểm, mức cao nhất trong vòng bảy tháng qua, sau khi tụt điểm vào đầu phiên, khiến các nhà “săn lùng chứng khoán giá hời” mua vào với khối lượng lớn.

[Giá dầu trên thị trường thế giới đột ngột sụt giảm]

Tại thị trường chứng khoán Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 12,53 điểm (0,63%), đóng cửa ở mức 2.003,69 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều khép lại với “sắc xanh.”

Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 350,87 điểm (1,65%) và 4,80 điểm (0,20%), đóng cửa ở mức 21.568,73 điểm và 2.451,86 điểm.

Giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 4/2012 giảm 50 xu xuống 108,06 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 62 xu còn 123,55 USD/thùng.

Tập đoàn đầu tư, có trụ sở tại Phillip Futures cho biết: “Giá dầu quay đầu giảm giữa lúc giới đầu tư tỏ ra lo ngại rằng sự gia tăng mạnh mẽ của giá nhiên liệu này sẽ hạn chế sức tăng trưởng kinh tế thế giới, cùng với sự phục hồi của đồng USD, càng khiến tình hình căng thẳng tại Iran và nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu của nước này trở nên đáng báo động.”

Xu hướng đi xuống kịp thời của giá dầu và các số liệu lạc quan về số liệu nhà chờ bán của Mỹ đã khiến các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc và “phớt lờ” các thông tin tiêu cực từ châu Âu, khi hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Hy Lạp với đánh giá là có “nguy cơ vỡ nợ,” bất chấp việc Quốc hội Đức đã thông qua gói cứu trợ dành cho Hy Lạp vào cuối ngày 27/2.

Sự đi lên của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã dẫn đầu xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đêm hôm trước (27/2), đưa chỉ số Dow Jones vượt ngưỡng 13.000 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này lại bất ngờ để tuột mất đà tăng vào cuối phiên.

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều mở cửa trong “sắc đỏ,” sau khi các bộ trưởng tài chính thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa tuyên bố vào cuối tuần qua rằng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần phải tăng cường bức tường lửa tài chính trước khi các quốc gia khác ủng hộ thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu sau đợt phục hồi gần đây và các số liệu cho thấy thị trường nhà ở Mỹ đang dần được cải thiện đã giúp chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 1,44 điểm (0,01%), xuống còn 12.981,51 điểm, sau khi có lúc “vọt” lên mức 13.027 điểm vào giữa phiên.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,85 điểm (0,14%) lên 1,367.59 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 6/2008. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq cũng ghi thêm 2,41 điểm (0,08%) lên 2.966,16 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục xu hướng mất điểm, do những bế tắc của các nước trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,33% xuống còn 5.915,55 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 0,74%, còn 3.441,45 điểm. Trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng giảm 0,22%, đóng cửa ở mức 6.849,60 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục