UNESCAP công bố Niên giám thống kê năm 2009

UNESCAP đã công bố Niên giám thống kê năm 2009, trong đó nhấn mạnh các xu thế trong phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 26/3, Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) đã công bố Niên giám thống kê năm 2009, trong đó nhấn mạnh các xu thế trong phát triển ở khu vực này.

UNESCAP nêu rõ, các xu thế đã được xác lập này bao gồm việc tăng chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như tiếp cận công nghệ; thất nghiệp thấp do khu vực kinh tế dân doanh phát triển; tỷ lệ mắc các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm cũng như sự gia tăng số người hút thuốc lá.

Niên giám của UNESCAP đã vẽ lên bức tranh chi tiết về các xu hướng lớn liên quan kinh tế, xã hội và môi trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hai thập kỷ qua, đồng thời cung cấp các số liệu so sánh với các khu vực khác của thế giới.

Từ năm 2002 đến 2007, mặc dù chi phí cho nghiên cứu và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng nhanh hơn so với tất cả các khu vực khác của thế giới nhưng tỷ lệ nhà nghiên cứu trên tổng dân số vẫn thấp hơn so với các khu vực khác trừ châu Phi.

Giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế cao ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn là môi trường với rừng bị tàn phá, đa dạng sinh học bị suy giảm. Một phần ba trong tổng số các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu là ở châu Á. Đây là tỷ lệ mất đa dạng sinh học cao nhất so với các khu vực khác.

Trong 1/3 số nước ở châu Á-Thái Bình Dương, hơn 40% số người chết là do các bệnh lây nhiễm hoàn toàn có thể phòng ngừa. Ở Afghanistan, tỷ lệ này là 77%, ở Tajikistan là 72%, ở Campuchia là 67%... Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc trong khu vực là 6% nhưng tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Đông và Bắc Á lên tới hơn 50% và Đông Nam Á lên tới hơn 30%.

Ông Noeleen Heyzer, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và là Thư ký chấp hành UNESCAP cũng xác nhận rằng tỷ lệ nghèo đói ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tuy đang giảm nhanh và bắt kịp với các khu vực khác của thế giới nhưng khu vực này cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, phát triển bền vững và cung cấp hạ tầng cơ sở cơ bản và dịch vụ cho mọi người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục