OECD cam kết giảm thâm hụt, bảo vệ tăng trưởng

Trong tuyên bố cuộc họp cấp bộ trưởng cuối tuần qua, OECD cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách nhưng không ảnh hưởng tăng trưởng.
Trong tuyên bố chung bế mạc cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên cuối tuần qua, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách nhưng không để ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Việc cam kết trên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các kế hoạch phối hợp tài khóa đáng tin cậy và minh bạch trong trung hạn.

OECD cho rằng tình hình tài chính của hầu hết trong tổng số 35 nước thành viên đã xấu đi đáng kể do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và sức ép ngày càng lớn từ việc dân số đang bị già hóa, nên các nền kinh tế này cần phải đi theo một con đường tăng trưởng bền vững hơn.

Mặc dù thừa nhận rằng sự khác biệt giữa các nước thành viên cho thấy những khó khăn trong việc cân bằng các biện pháp nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong khi vẫn cải thiện được các điều kiện tài chính, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một cán cân tài khóa mới.

Theo OECD, việc triển khai phối hợp các chính sách tài khóa sẽ giúp cải thiện cán cân tài chính, đồng thời bình ổn và giảm bớt gánh nặng thâm hụt công trong trung và dài hạn.

Trước đó, trong báo cáo thường kỳ công bố ngày 26/5, OECD nhận định thế giới đang phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái sâu, với khả năng sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% trong năm nay, sau khi giảm 0,9% năm 2009.

Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo vẫn tồn tại những mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, cũng như nguy cơ phát triển quá nóng tại các nền kinh tế đang nổi.

Báo cáo khuyến nghị chính phủ các nước thành viên phải khẩn trương hành động để kiềm chế mức nợ đang ngày càng phình lên như là hệ quả của việc áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế tốn kém nhằm kéo nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái vốn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tuyên bố của OECD cũng kêu gọi phải tập trung giải quyết vấn đề thất nghiệp, được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong năm nay và năm tới, ở mức hơn 10% tại Eurozone và hơn 8% tại các nước OECD.

Các nước OECD khẳng định sẽ xây dựng các chính sách việc làm và xã hội toàn diện, tổng quát và đổi mới để đối phó với cuộc khủng hoảng việc làm, cũng như thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng cho tất cả các nước.

Ngoài ra, tuyên bố nói thêm rằng chủ nghĩa bảo hộ chưa lan rộng như nhiều người nghĩ, song kêu gọi sớm kết thúc vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục