“Hạn” vì rét bất thường

Người bán hàng rong gặp “hạn” vì rét bất thường

Vì đợt rét đậm bất thường, người bán sữa đậu nành phải mời cả nhà uống sữa thay cơm, bác xe ôm thì co ro, ủ rũ vì khách toàn chọn taxi!
Đã năm giờ chiều, vậy mà chị Lê Hà vẫn ngáp ngắn, ngáp dài, ngao ngán nhìn cảnh chợ chiều trong làn mưa.

Cái rét đậm bất thường về vào lúc giao mùa khiến cho nhiều người chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết, chẳng ai dại gì lang thang ngoài mưa chỉ để ăn chút quà chiều. Bởi thế, dãy hàng ăn sau chợ Ngọc Lâm (Long Biên) của chị Hà rất ế ẩm, chỉ mấy bà bán hàng ngồi nhìn nhau thở dài.

Ăn quà thay cơm

Ngồi giữa hai ki ốt bán bún cá và bánh xèo lúc nào cũng đông đúc người ăn, cửa hàng trà đá, sữa đậu nành của chị Hà nhờ đó cũng khấm khá. Thông thường, các hàng ăn chiều tại đây bắt đầu bán từ  hai giờ cho tới sáu giờ là hết hàng. Nhưng do rét đậm kèm mưa bất ngờ tràn về khiến họ thất thu lớn trong những ngày này.

Mưa gió, chợ lầy lội, người đi lại còn thưa thớt, huống hồ là khách vào ăn. Cả chợ, nhà nào cũng ế hàng, mỗi ngày chị Hà phải mang về tới hơn chục lít sữa đậu nành cho cả nhà uống và biếu mấy người hàng xóm.

“Suốt mấy ngày này, cả nhà uống sữa đậu nành thay cơm. Rồi hai hàng bên cạnh cũng ế ẩm, họ cho mình mang bớt về nhà. Thế là hôm trước ăn tối bằng bún cá, hôm sau lại ăn tối bằng bánh xèo. Hai đứa con hớn hở ra mặt vì được đổi món. Các bà mẹ thì sốt hết cả ruột, có vài đồng vốn ăn thâm vào hết. Không biết mưa, rét còn lâu không," chị Hà ca thán.

Nỗi buồn vì thời tiết lan ra tới tất cả những người chót làm cái nghề "bán mặt cho trời." Chị Hương ngồi trong khu nhà trọ lạnh lẽo (Phúc Xá, Ba Đình) kể, hai hôm trước, chị mặc áo mưa đứng giữa trời bán hoa, nước mưa ngấm, ướt lạnh từ đầu đến chân, mà tới tám, chín giờ tối vẫn còn nửa xe hàng không bán được.

“Hôm nay, một phần vì ngấm mưa cảm lạnh, một phần vì biết chắc có đi bán cũng không ăn thua. Người bán hàng ăn còn mang về ăn được, chứ hoa ế chỉ biết đổ đi. Thà nghỉ chợ mấy ngày mưa còn hơn,” chị Hương nói.

Ở cùng xóm trọ của chị Hương là mấy người phụ nữ cùng quê Hà Nam, rủ nhau lên Hà Nội bán hoa, quả rong. Gặp phải cảnh thời tiết bất thường, cùng nhau nghỉ hàng ngồi co ro, than vãn trách ông trời.

Nỗi buồn xe ôm

Chuyện gió mưa, không chỉ là nỗi khổ của những người phụ nữ bán buôn mà đến các bác xe ôm, những ngày nắng thường túm ba tụm bẩy trên vỉa hè ở Giải Phóng, Láng Thượng, Nguyễn Trãi… hay nơi gần trường học, vậy mà trong cái lạnh cắt da cắt thịt này, cả trục đường dài cũng chỉ lấp ló có một vài người.

Chú Thành, Thanh Liệt, Hà Nội ngồi thu lu trên chiếc xe ôm dưới chân cầu Dậu. Gương mặt tái ngắt vì giá  lạnh càng héo hon hơn khi hai ngày nay trời mưa to kèm gió bấc chẳng còn ai mặn mà với việc đi xe ôm.

“Bình thường, mỗi ngày, tôi cũng  có năm, sáu khách nhưng hai ngày qua, ngồi mãi mỗi ngày cũng chỉ có một khách, mà toàn người đi gần. Đợi lúc nữa chẳng có ai chắc chiều nghỉ luôn ở nhà cho khỏe,” chú Thành kể lể.

Những người cố thi gan với cái lạnh để mưu sinh cũng tỏ ra ủ rũ vì vắng khách.

Một số điểm gần bến xe, công việc của những xe ôm có vẻ túc tắc hơn. Tuy nhiên, các chủ xe ôm cũng cho biết, số khách hàng của họ giảm đi đến một nửa trong mấy ngày rét này và những khách họ chở chủ yếu là người lao động chân tay.

Một xe ôm trong sân bến xe Giáp Bát, châm điếu thuốc lá hút lấy hơi ấm. Khi chuyến xe Khánh Thành-Hà Nội vừa cập bến, anh cùng mấy xe ôm khác lao đến trước cửa xe, chào mời khách nhưng chỉ một người trong số họ “tóm” được khách.

Anh xe ôm này kể rằng, sáng nay, trước cổng bến xe, anh cũng đã để hụt mấy khách. Họ đã trả giá nhưng khi thấy taxi đi đến thì họ lại đổi ý chuyển sang bắt taxi.

Với những ngày lạnh như thế này, một số xe ôm còn để hụt luôn cả khách “ruột” của mình.

Chú Công làm xe ôm ở Đại Từ kể rằng, hàng ngày chú vẫn chở hai đứa con hàng xóm đi học, nhà chúng cách trường hơn năm cây số. Tối qua, đang định đi đón thì mẹ chúng gọi điện nói chú thông cảm vì trời lạnh quá, sợ con cảm nên chị về sớm bắt taxi đón con luôn.

“Trời đã lạnh buốt, lại còn mưa, đường sá thì bẩn, thực ra, đến mình mà có tiền thì cũng đi taxi cho nhanh, nói  gì họ. Biết vậy nhưng vẫn phải làm chứ nghỉ ở nhà lấy đâu ra tiền ăn,” giọng chú Công có phần chua chát./.


Hạnh Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục