Sập đường ngầm tại Nhật do bỏ thăm dò địa chất?

Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân sự cố sập đường ống ngầm đáy biển ở Nhật có thể do nhà thầu không điều tra địa chất kỹ.
Liên quan đến sự cố sập đường ống ngầm đáy biển của nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí JX Nippon, thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama, Nhật Bản, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân có thể do công ty Kashima - nhà thầu thi công đường ngầm này - đã không điều tra địa chất kỹ lưỡng ở khu vực đáy biển, vi phạm và tắc trách trong quy định về an toàn lao động của nước này. Khoảng 10 năm trước, Công ty Kashima đã điều tra bộ phận đường ống đứng khác, cách ví trí bị sập 30m và căn cứ vào kết quả thăm dò lần trước, nhà thầu lại tiếp tục thi công đoạn ống đứng và ống ngang, bỏ qua những quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động. Theo Ban quản lý Tiêu chuẩn Lao động thành phố Kurashiki, để bảo vệ các tác nghiệp viên khỏi nguy cơ rò rỉ nước và sập đường ngầm, nhà thầu phải tiến hành đo đạc, kiểm tra tình trạng địa chất và địa tầng trước khi đưa công nhân vào làm việc. Liên quan đến thời gian thăm dò, Ban Quản lý Kurashiki không nêu rõ ngoài việc nhấn mạnh là “phải tiến hành thăm dò trước.” Liên quan đến việc sử dụng kết quả điều tra trong quá khứ, nhà thầu Kashima phán đoán “do cự ly gần nên không vấn đề gì.” Bộ Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong trường hợp cự ly gần có tính liên tục của địa hình thì việc sử dụng kết quả thăm dò trong quá khứ để tiến hành thi công là không có vấn đề gì. Liên quan đến thời gian kết quả thẩm tra tới 10 năm, Bộ này cho biết: “Trong trường hợp có cả những thay đổi địa hình thì cũng không nói lên điều gì.” Phó Giáo sư Địa chất học Suzuki Shigeyuki thuộc Đại học Okayama - từng tiến hành điều tra địa bàn xung quanh công trình đường ngầm cảng Mizushima - cho biết: “Trong khoảng thời gian 10 năm, địa chất sẽ không thay đổi.” Tuy nhiên, ông Shigeyuki cho biết thêm: “Cách bề mặt đáy biển xuống dưới sâu 10m là lớp bùn cát lỏng. Do đó, tuy về mặt kỹ thuật và kinh phí thăm dò có thể khó khăn nhưng phải chăng là cần phải tiến hành thăm dò cẩn thận những khoang rỗng dưới lòng đất.” Nhà thầu Kashima ngày 9/2 bắt đầu công tác làm sạch nước biển lọt vào bên trong đường hầm. Do tầm nhìn hạn chế, công tác tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích còn nhiều khó khăn nên công ty đang gấp rút tăng độ trong của nước nhằm hỗ trợ cho hoạt động tìm kiếm. Đường ống đứng - có đường kính 11m và chiều sâu 34m - đã được lắp đặt thiết bị làm sạch. Trước đó, công ty Kashima đã công khai bức ảnh do các thợ lặn chụp bên trong đường hầm này cho thấy tầm nhìn chỉ khoảng 20cm. Hôm 8/2, cơ quan địa chất Nhật Bản đo được hố sụt lún dưới đáy biển, cách đoạn ống đứng công trường B 155m về phía Tây. Hố sụt lún này có đường kính 20m và độ sâu tới 12m. Đoạn đường hầm gặp sự cố làm 5 người mất tích hôm 7/2 này là đoạn nối giữa hai đoạn ống đứng công trường A và B.

Ảnh chụp tầm nhìn bên trong đường ống chỉ 20cm do nước biển lẫn bùn cát làm hạn chế tầm nhìn.

Nhóm giải cứu đưa camera xuống đường ống đứng để xác định vị trí các nạn nhân.

Trưởng nhóm giải cứu đang chỉ đạo hoạt động của camera trên màn hình tivi.
Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục