Rộn ràng lễ hội Ok om bok của dân Khmer Nam Bộ

Cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm, đồng bào Khmer Nam Bộ lại náo nức chờ đón lễ hội truyền thống của dân tộc mình - lễ Ok om bok.
Cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm, đồng bào Khmer Nam Bộ lại náo nức chờ đón lễ hội truyền thống của dân tộc mình - lễ cúng trăng còn gọi là lễ Ok om bok (lễ đút cốm dẹp).

Xưa kia, người Khmer làm ruộng theo hai mùa trong năm. Mùa mưa từ 16 tháng 4 đến 15 tháng 10 Âm lịch, mùa nắng từ 16 tháng 10 đến 15 tháng 4 Âm lịch. Ngày 15 tháng 10 Âm lịch là ngày cuối mùa mưa và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nếp.

Vào đúng ngày này đồng bào Khmer tổ chức một lễ lớn gọi là lễ Ok om bok mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng. Mưa gió chấm dứt, nước từ từ rút xuống mở đầu cho một mùa khô ráo sau những ngày lao động miệt mài trên đồng ruộng, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ đến công ơn Mặt Trăng vì theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng như vị thần điều tiết mùa màng giúp trúng mùa, làm ăn khá giả.

Do là lễ ăn mừng và nhớ ơn Mặt Trăng nên trong lễ Ok om bok, ngoài việc tổ chức lễ cúng trăng, người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo, thả đèn gió và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác.

Lễ cúng trăng

Lễ cúng trăng được xem là lễ chính trong lễ hội Ok om bok. Lễ này được tổ chức đúng vào đêm rằm tháng 10 âm lịch tại khuôn viên chùa, trong từng nhà dân hay tập trung tổ chức ở một nơi rộng rãi.

Theo tác giả Trần Văn Bổn trong “Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long” thì, để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.

Ngày nay lễ cúng đơn giản hơn, chỉ cần đem một cái bàn và bày lên đó các lễ vật cúng. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây.

Buổi tối chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt Trăng để chờ làm lễ. Đúng lúc Mặt Trăng lên cao tỏa ánh sáng vằng vặc thì đốt nhang đèn, rót trà, mời vị sư làm chủ lễ.

Ông khấn vái nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng cúng; ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cho mưa thuận gió hòa, cho năm tới trúng mùa, cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đó là mong ước ngàn đời không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là ước vọng chính đáng của các dân tộc, của nhân loại.

Cúng xong, ông chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp bằng, chắp tay nhìn về hướng Mặt trăng. Ống lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng bọn trẻ rồi hỏi chúng ước gì. Bọn trẻ sẽ nói ước nguyện của mình và ông khuyên dạy chúng phải chăm ngoan, học hành giỏi giang để giúp ích cho đời… Xong thủ tục này, mọi người vừa ăn uống, vừa múa hát vui chơi đến khuya.

Lễ đua ghe ngo

Vào đúng ngày rằm tháng 10 Âm lịch trên những dòng sông mênh mang, giàu phù sa của vùng đất Nam bộ thường vang lên những tiếng hát, tiếng reo hò của hàng chục ngàn người say mê cổ vũ cho cuộc đua ghe ngo truyền thống.

Chiếc ghe ngo thường được làm bằng cây sao (loại gỗ tốt) hình thù tựa như con rắn, mình thon thon, thoai thoải về hai phía; đầu ghe ngo uốn cong và thấp hơn sau lái một chút. Ghe ngo có chiều cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu tới lái, người Khmer gọi là đon xanh touch (cây cần câu). Cây này được làm bằng cây tràm vừa bền, vừa có độ nhún giúp ghe được vững và nhảy vọt.

Trên lòng ghe đóng nhiều thanh cây ngang dài độ 1,2m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe ngo thường có từ 52 đến 54 chỗ ngồi cho người ngồi bơi và chỉ huy.

Thân ghe ngo được sơn màu đen, trên be sơn vệt màu trắng hay vàng hoặc đỏ. Hai bên vẽ hoa văn Khmer hoặc vẩy rồng, rắn. Đầu ghe vẽ hình con thú biểu tượng cho chiếc ghe ngo của chùa mình.

Ghe ngo do địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền bạc tạo nên và được bảo quản rất cẩn thận trong chùa.

Mỗi năm ghe ngo được đưa xuống nước một lần vào dịp lễ hội Ok om bok. Vì vậy người ta tổ chức lễ hạ thủy rất công phu, ngoài lễ cúng, người Khmer còn tập trung tập dượt rất cẩn thận và siêng năng. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật. Trước cuộc đua, họ tập bơi trên cạn cho đều tay và đúng nhịp sau đó mới tập bơi dưới nước. Người ngồi mũi chỉ huy phải là người có uy tín trong phum sóc.

Đã thành lệ, từ nhiều năm nay đúng vào rằm tháng 10 Âm lịch trên dòng sông Cái Lớn huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang thường diễn ra cuộc đua ghe ngo rất sôi nổi hào hứng của hàng ngàn tay đua đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Từ năm 2007, lễ hội Ok om bok được tỉnh Kiên Giang nâng lên tổ chức thành Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Khmer cấp tỉnh. Địa điểm tổ chức tập trung tại huyện Gò Quao- nơi có đông bà con dân tộc Khmer của tỉnh.

Lễ hội năm nay sẽ diễn ra vào ba ngày 20, 21,22-11 (nhằm ngày rằm 15 và 16,17 tháng 10 Âm lịch) với các hoạt động chính như lễ cúng trăng, đua ghe ngo trên sông Cái Lớn, biểu diễn nghệ thuật Khmer, liên hoan văn nghệ khme, thi giàn thủy lục đẹp./.

Hoàng Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục